Thứ Sáu, ngày 19-04-2024 Trang chủ| Liên hệ| Góp ý| Sơ đồ   [Đăng nhập]
Tìm kiếm
ĐƯỜNG DÂY NÓNG

 

Hồ sơ công việc
 
 
 
Tin hoạt động Ngành
Điều trị và phòng ngừa bệnh quai bị
[ Cập nhật vào ngày (24/06/2016) ] - [ Số lần xem: 2045 ]
Trẻ được tiêm ngừa bệnh quai bị tại Trung tâm Y tế dự phòng TP Cần Thơ
Trẻ được tiêm ngừa bệnh quai bị tại Trung tâm Y tế dự phòng TP Cần Thơ

Bệnh quai bị là bệnh truyền nhiễm cấp tính, bệnh có thể xảy ra ở bất kỳ lứa tuổi nào, trong đó trẻ em từ 5-8 tuổi là đối tượng dễ bị nhiễm bệnh nhất.

Theo số liệu từ Bệnh viện Nhi Đồng Cần Thơ, tính đến ngày 30/5/2016, toàn thành phố có 31 ca mắc bệnh quai bị nhập viện điều trị, tăng 21 ca so với cùng kỳ, trong đó thành phố Cần Thơ có 18 ca mắc. Để phòng ngừa bệnh quai bị hiệu quả, BS.CKII Nguyễn Minh Thắng, Giám đốc Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe TP Cần Thơ sẽ giúp các bậc phụ huynh hiểu rõ hơn về căn bệnh này.

* Đặc điểm bệnh quai bị

Bệnh quai bị còn được gọi là bệnh viêm tuyến mang tai dịch tễ, thường xuất hiện vào mùa xuân hè. Bệnh do vi rút Paramyxovirus gây nên, lây trực tiếp bằng đường hô hấp, lây qua ăn uống và qua những giọt nước bọt khi bệnh nhân nói, ho hoặc hắt hơi. Biểu hiện lâm sàng phổ biến nhất là viêm tuyến nước bọt mang tai không hóa mủ.

Khi bị nhiễm bệnh quai bị, đa phần bệnh nhân sẽ thấy khó chịu từ 1-2 ngày trước khi xuất hiện các triệu chứng. Dấu hiệu nhận biết là gò má người bệnh sưng to, có thể sưng một bên mặt rồi lan sang bên kia hoặc sưng hai bên cùng một lúc. Vùng bị sưng thường lan đến má, dưới hàm, đẩy tai lên trên và ra ngoài, có khi lan đến ngực gây phù trước xương ức. Người bệnh có cảm giác khó chịu, đau đầu, ăn uống kém đi, gây sốt đôi khi rét, đau họng và đau góc hàm. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng vẫn có khoảng 25% người bị nhiễm vi rút quai bị vẫn không xuất hiện triệu chứng bệnh lý, đối tượng này có khả năng truyền bệnh mà người xung quanh không biết. Bệnh nhân có cảm giác khó nói, khó nuốt, đôi khi phù thanh môn gây khó thở phải mở khí quản. Thời gian biểu hiện bệnh lý khoảng 10 ngày.

* Cách phòng và điều trị

Để phòng bệnh quai bị, các bác sĩ khuyến cáo phụ huynh nên đưa con đi tiêm vắc xin phòng bệnh khi trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên, vắc xin phòng bệnh sẽ giúp cơ thể miễn dịch với bệnh quai bị trong một thời gian dài hoặc có thể suốt đời. Trong trường hợp người tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm bệnh quai bị nhưng chưa tiêm vắc xin phòng bệnh thì cần phải đến Trung tâm Y tế tiêm ngay để có thể bảo vệ bản thân tránh nhiễm bệnh. Cần lưu ý rằng nên tiêm vắc xin phòng bệnh quai bị không quá 3 ngày sau khi tiếp xúc với người bệnh quai bị.

Ngoài ra, để phòng bệnh, chúng ta có thể cải thiện chế độ dinh dưỡng, tăng cường sức đề kháng của cơ thể, giữ gìn vệ sinh thân thể, đặc biệt là đường hô hấp. Đối với người bệnh cần đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người khác phòng lây nhiễm cho người xung quanh.

Bệnh quai bị có thể xảy ra những biến chứng gây nguy hiểm như viêm cơ tim, viêm tuyến giáp, viêm thần kinh thị giác, viêm phổi, rối loạn chức năng gan, xuất huyết do giảm tiểu cầu, đặc biệt là có khả năng gây vô sinh.

Khi phát hiện người mắc bệnh quai bị, cần tổ chức cách ly và điều trị kịp thời. Chính vì thế những người mắc bệnh quai bị cần đến các cơ sở y tế để khám và điều trị đúng cách. Đối với trường hợp bệnh nhẹ, có thể cách ly điều trị tại nhà và làm theo hướng dẫn của cơ sở y tế.

Người bệnh cần nghỉ ngơi hợp lý, chăm sóc vệ sinh răng miệng và ăn uống món ăn giúp dễ tiêu hóa, bổ sung nhiều dinh dưỡng để tăng sức đề kháng cho cơ thể; uống nhiều nước và súc miệng bằng nước muối sinh lý hay nước súc miệng có bán tại các hiệu thuốc nhằm chống khô miệng. Giảm đau tại chỗ bằng cách đắp ấm vùng má bị sưng. Chất thải mũi họng và đồ dùng cá nhân, dụng cụ y tế có liên quan phải được khử khuẩn bằng dung dịch cloramin 2% hoặc các chất khử khuẩn khác tại bệnh viện.

Bệnh nhân không đến nơi đông người trong vòng 7 - 9 ngày kể từ khi phát bệnh, thường xuyên đeo khẩu trang, cần nghỉ ngơi tại chỗ, hạn chế vận động.

* Chăm sóc trẻ mắc bệnh quai bị tại nhà

Bệnh quai bị rất dễ mắc ở các trẻ từ 5-8 tuổi, chính vì vậy các bậc phụ huynh cần tìm hiểu về căn bệnh này, cách phòng tránh, kiến thức để xử trí và chăm sóc đúng cách nếu không may trẻ nhiễm bệnh.

Khi trẻ có các dấu hiệu quai bị, cha mẹ nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được khám; trẻ sốt cao 39 - 40 độ C, cần hạ nhiệt bằng cách lau mình trẻ bằng nước ấm, có thể cho dùng Paracetamol để hạ sốt và giảm đau, cho uống nhiều nước và súc miệng bằng nước muối sinh lý nhằm chống khô miệng; cho trẻ ăn loãng hoặc ăn bằng ống hút (nếu trẻ nuốt khó), đặt trẻ nằm nghỉ ngơi tại giường, dùng một chai nước nóng bọc trong khăn để áp vào bên má đau. Không được cho trẻ nô đùa chạy nhảy vì những hoạt động này rất dễ dẫn đến biến chứng ở tinh hoàn. 

Chú ý vệ sinh, tẩy uế các chất dịch tiết cho trẻ mắc bệnh; không bôi hoặc đắp những thứ thuốc dân gian như vôi, trầu nhai... ở tuyến mang tai để tránh tình trạng nhiễm độc.

Thúy Duy (lược ghi)




Đường dây nóng




Số lượng truy cập