Thứ Sáu, ngày 19-04-2024 Trang chủ| Liên hệ| Góp ý| Sơ đồ   [Đăng nhập]
Tìm kiếm
ĐƯỜNG DÂY NÓNG

 

Hồ sơ công việc
 
 
 
Tin hoạt động Ngành
Nỗ lực trong công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em
[ Cập nhật vào ngày (09/02/2016) ] - [ Số lần xem: 1411 ]
Các bà mẹ thực hành nấu cháo dinh dưỡng tại trạm y tế phường Trường Lạc, quận Ô Môn.
Các bà mẹ thực hành nấu cháo dinh dưỡng tại trạm y tế phường Trường Lạc, quận Ô Môn.

Chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ và trẻ em là công tác luôn được ngành y tế quan tâm. Phụ nữ mang thai, bà mẹ và trẻ em được tư vấn, chăm sóc sức khỏe ban đầu một cách chu đáo, được cung cấp kiến thức và thực hành dinh dưỡng trong nuôi dạy con. Các hoạt động này đã góp phần cải thiện và nâng cao sức khỏe cho các bà mẹ và trẻ em, đảm bảo tiến độ thực hiện mục tiêu Thiên niên kỷ về giảm tử vong mẹ, tử vong trẻ em, giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng của thành phố Cần Thơ.

Tăng cường chăm sóc, quản lý thai

Để trẻ có được một thể chất khỏe mạnh, trí tuệ minh mẫn, đảm bảo khả năng học tập và lao động khi trưởng thành thì công tác chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ và trẻ em trong những năm đầu đời rất quan trọng.

Từ tháng mang thai đầu tiên, những phụ nữ chuẩn bị làm mẹ đã được cán bộ phụ trách chăm sóc sức khỏe sinh sản tại địa phương tuyên truyền về lợi ích của khám thai định kỳ, tiêm ngừa phòng bệnh và ăn uống theo chế độ dinh dưỡng hợp lý. Theo BS.CKII Nguyễn Thị Bé Năm, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS), các bà mẹ mang thai được theo dõi thường xuyên qua hai phương pháp quản lý thai: một là, qua mô hình sàng lọc và theo dõi những bà mẹ đang mang thai có nguy cơ mắc bệnh cao; hai là, qua phiếu khám thai luân chuyển. Các phương  pháp quản lý thai trên giúp đảm bảo tất cả các bà mẹ mang thai đều được khám thai định kỳ, được quản lý, theo dõi sức khỏe, nhất là sàng lọc được những “bà bầu” có nguy cơ cao để chủ động chăm sóc hỗ trợ.

Năm 2014, tỷ lệ bà mẹ được tiếp cận các thông tin về nuôi dưỡng trẻ nhỏ là 66,1%. Trong đó, tỷ lệ bà mẹ được tiếp cận thông tin từ cán bộ y tế là 94,8%. Ngành đã thành lập mạng lưới chăm sóc sức khỏe sinh sản tại cả ba tuyến: thành phố, quận/huyện và xã/phường/thị trấn; đa số các bà mẹ và trẻ sơ sinh được chăm sóc tuần đầu tiên sau sinh tại các cơ sở y tế. Tỷ lệ sản phụ được cán bộ y tế đỡ đẻ là 100%; tỷ lệ 5 tai biến sản khoa giảm qua hàng năm, đặc biệt là không có uốn ván sơ sinh xảy ra.

Cải thiện tình trạng trẻ suy dinh dưỡng

Thực hiện Dự án Cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em, Trung tâm Chăm sóc SKSS TP Cần Thơ tích cực triển khai nhiều hoạt động, trong đó đẩy mạnh công tác truyền thông phù hợp từng địa phương như tư vấn trực tiếp, tư vấn nhóm, thăm hộ gia đình,... Trung tâm thường xuyên củng cố và kiện toàn mạng lưới cộng tác viên dinh dưỡng, hàng tháng phối hợp với các trạm y tế duy trì tổ chức các buổi thực hành dinh dưỡng cho các bà mẹ mang thai và có con dưới 5 tuổi; phát triển “ô dinh dưỡng” cung cấp thực phẩm tươi, an toàn, làm nguyên liệu cho các buổi thực hành dinh dưỡng do các câu lạc bộ dinh dưỡng địa phương tổ chức.

Chị Lệ, mẹ của bé Mỹ Duyên, 18 tháng tuổi, ở khu vực Bình Thuận, phường Trường Lạc, quận Ô Môn tâm sự: “Từ khi cai sữa mẹ thì bé nhà tôi không tăng cân đều đều nữa, bé lại hay bị khó tiêu; bác sĩ khám, chẩn đoán bé bị SDD. Tôi có cho bé ăn dặm nhưng cứ ăn vào là bé ọc ra suốt. Tham dự các buổi thực hành dinh dưỡng, tôi đã được cán bộ y tế hướng dẫn cách nấu cháo dinh dưỡng để bé ăn ngon, dễ tiêu hóa. Các kiến thức này thực sự rất bổ ích, giúp tôi chăm sóc nuôi dưỡng bé tốt hơn. Hiện nay, bé đã tăng cân, hồng hào và lanh lợi. Tôi rất mừng”.

Theo thống kê của ngành y tế, tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi bị SDD đã giảm mạnh theo từng năm: năm 2010, tỷ lệ SDD trẻ em dưới 5 tuổi thể nhẹ cân là 13,9%, đến năm 2014, tỷ lệ này giảm còn 10,9%; tỷ lệ SDD trẻ em dưới 5 tuổi thể thấp còi 26,4% năm 2010, giảm còn 21,8% vào năm 2014.

Năm 2016, Trung tâm Chăm sóc SKSS tiếp tục tăng cường giám sát hoạt động ở địa phương, củng cố và duy trì “ô dinh dưỡng” tại các địa phương; đồng thời, hướng dẫn các gia đình kịp thời điều chỉnh chế độ ăn uống khoa học hợp lý cho trẻ với đủ bốn nhóm chất (tinh bột, đạm, đường, vitamin và khoáng chất); tổ chức tư vấn chế độ dinh dưỡng và cách chăm sóc sức khoẻ trong thời kỳ mang thai cho các thai phụ; tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cộng tác viên để làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, tư vấn trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ bà mẹ và trẻ em.

Kim Nhiên




Đường dây nóng




Số lượng truy cập