Thứ Năm, ngày 18-04-2024 Trang chủ| Liên hệ| Góp ý| Sơ đồ   [Đăng nhập]
Tìm kiếm
ĐƯỜNG DÂY NÓNG

 

Hồ sơ công việc
 
 
 
Tin hoạt động Ngành
Phòng chống thiếu máu dinh dưỡng
[ Cập nhật vào ngày (14/10/2015) ] - [ Số lần xem: 1152 ]
Đa dạng hóa bữa ăn, tăng cường các thực phẩm giàu sắt để phòng chống thiếu máu. Ảnh. H.G
Đa dạng hóa bữa ăn, tăng cường các thực phẩm giàu sắt để phòng chống thiếu máu. Ảnh. H.G

Thiếu máu dinh dưỡng (TMDD) là tình trạng bệnh lý xảy ra khi lượng huyết sắc tố trong máu xuống thấp hơn bình thường do thiếu một hay nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho quá trình tạo máu. Thiếu máu hay gặp nhất ở phụ nữ có thai, phụ nữ tuổi sinh đẻ và trẻ em nhỏ.

Nguyên nhân

Ở Việt Nam, theo số liệu điều tra về thiếu máu toàn quốc của Viện Dinh Dưỡng quốc gia năm 1995 cho thấy thiếu máu ở phụ nữ có thai là 52,7%; ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ là 40,2% và ở trẻ em là 45,3%.

Đến năm 2008, thì các tỷ lệ này đã giảm, cụ thể: tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị TMDD còn 29,2%, ở phụ nữ là có thai là 36,5% và ở phụ nữ tuổi sinh đẻ chung là 28,8%, tuy nhiên vẫn ở mức trung bình về ý nghĩa sức khoẻ cộng đồng.

Trong hàng loạt các yếu tố nguyên nhân dẫn đến thiếu máu, thì thiếu sắt là nguyên nhân hàng đầu. TMDD do thiếu sắt xảy ra khi lượng sắt được hấp thu không đủ để đáp ứng nhu cầu cơ thể, đây là một bệnh tiến triển âm thầm nên thường bị bỏ qua.

Nguyên nhân chủ yếu của bệnh TMDD do thiếu sắt là do chế độ ăn không đầy đủ dinh dưỡng, thiếu chất sắt so với nhu cầu của cơ thể, ngoài ra còn có nguyên nhân do tình trạng nhiễm ký sinh trùng đường ruột, đặc biệt là giun móc.

Những đối tượng có nguy cơ dễ bị thiếu sắt là: trẻ em (vì ở lứa tuổi đang lớn nhanh nên có nhu cầu sắt cao); phụ nữ lứa tuổi sinh đẻ (15-49 tuổi) bị mất sắt theo kinh nguyệt hàng tháng; phụ nữ có thai (vì cần nhu cầu sắt cao cho sự phát triển của thai, nhau thai và tăng khối lượng máu của mẹ); phụ nữ cho con bú (sắt được tiết theo sữa nuôi con).

Biểu hiện thiếu máu

Thiếu máu nhẹ: gây biểu hiện mệt mỏi, mất ngủ, kém tập trung.

Thiếu máu nặng: khó thở khi lao động gắng sức, hay hoa mắt, chóng mặt.

Các dấu hiệu khi thăm khám: da xanh, niêm mạc nhợt (niêm mạc mắt, lợi). Móng tay khum hình thìa, đầu lưỡi có đám hạt sắc tố đỏ sẫm. Trẻ em: lòng bàn tay nhợt.

Khi thiếu máu nặng, cần đến cơ sở y tế làm xét nghiệm để chẩn đoán thiếu máu.

Hậu quả thiếu máu

Ảnh hưởng tới khả năng lao động: người thiếu máu thường có năng suất lao động thấp hơn hẳn người bình thường.

Ảnh hưởng tới năng lực trí tuệ: những người thiếu máu thường có biểu hiện mất ngủ, mệt mỏi, kém chú ý, kém tập trung, dễ bị kích thích. Trẻ em thiếu máu thường có kết quả học tập kém hơn trẻ bình thường, ngồi học hay ngủ gật trong lớp, giảm phát triển trí tuệ, thể lực, vận động, giảm sức đề kháng với bệnh nhiễm trùng.

Ảnh hưởng tới thai sản: tăng nguy cơ đẻ non, tăng tỷ lệ mắc bệnh và tử vong của mẹ và con. Những bà mẹ bị thiếu máu có nguy cơ sinh con nhẹ cân và dễ bị chảy máu ở thời kỳ hậu sản.

Các biện pháp phòng chống thiếu máu


1. Cải thiện bữa ăn:

Đối với bà mẹ: Cần tăng cường thực phẩm giàu sắt và thực phẩm hỗ trợ hấp thu sắt, hạn chế sử dụng các thực phẩm hay đồ uống chứa chất ức chế hấp thu sắt (nước chè đặc, cà phê).

Đối với trẻ nhỏ: Cho bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, và tiếp tục cho bú đến 24 tháng, kết hợp ăn bổ sung hợp lý. Thực hiện đa dạng hóa bữa ăn: Tăng cường cho trẻ ăn những thức ăn giàu sắt, thực phẩm giàu vitamin C.

Nguồn sắt trong thức ăn: có nhiều trong thịt hoặc phủ tạng của động vật; cá, tôm cua, sò, hến; các loại đậu đỗ, giá, rau lá màu xanh đậm…

2. Bổ sung sắt và đa vi chất dinh dưỡng cho các đối tượng có nguy cơ cao: phụ nữ mang thai, bà mẹ cho con bú trong 2 tháng đầu, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và trẻ em.

Cán bộ y tế và cộng tác viên dinh dưỡng cần cung cấp đủ thông tin, giải thích hướng dẫn và giám sát việc uống viên sắt đều đặn, đủ liều theo chỉ định; bên cạnh đó tăng cường truyền thông tích cực thay đổi kiến thức, thực hành đa dạng hóa bữa ăn của phụ nữ tuổi sinh đẻ và bà mẹ có con nhỏ giúp cải thiện tình trạng dinh dưỡng và thiếu máu ở bà mẹ và trẻ em.

3. Phòng chống bệnh nhiễm trùng, nhiễm giun sán.

Tiến hành tẩy giun định kỳ khi trẻ 2 tuổi.

Thực hiện vệ sinh môi trường, sử dụng nước sạch, hố xí  hợp vệ sinh, quản lý rác thải tránh gây ô nhiễm.  

Kim Hồng - Trung tâm Chăm sóc Sức khỏe sinh sản TP Cần Thơ




Đường dây nóng




Số lượng truy cập