Thứ Ba, ngày 23-04-2024 Trang chủ| Liên hệ| Góp ý| Sơ đồ   [Đăng nhập]
Tìm kiếm
ĐƯỜNG DÂY NÓNG

 

Hồ sơ công việc
 
 
 
Tin hoạt động Ngành
Bệnh viện trong lòng nhân dân
[ Cập nhật vào ngày (06/03/2015) ] - [ Số lần xem: 833 ]

bv trong long dan 004.jpg

Sau Đồng khởi năm 1960, Đảng ta đã đẩy mạnh phong trào quần chúng đấu tranh chính trị kết hợp đấu tranh vũ trang, gỡ mảng phá kềm, tiêu diệt, tiêu hao nhiều sinh lực địch, mở rộng vùng giải phóng. Với phương châm “đánh địch lấy vũ khí trang bị cho ta”, lực lượng vũ trang của tỉnh Cần Thơ không ngừng lớn mạnh. Ta đã tiêu diệt được nhiều đơn vị nổi tiếng ác ôn của địch, tháo gỡ nhiều đồn bót như đồn Vàm Xáng, huyện Châu Thành; đặc khu Cờ Đỏ, huyện Ô Môn, đồn Ba Xe, trên tuyến lộ Vòng Cung...

Để phục vụ cho lực lượng vũ trang, ngành Quân y tỉnh Cần Thơ cũng nhanh chóng được phát triển để kịp thời đáp ứng nhu cầu cho chiến trường. Từ năm 1961 đến năm 1963, lực lượng Quân y tỉnh đóng trên địa bàn hai huyện Châu Thành và Ô Môn, dựa vào nhà dân xây dựng hầm bí mật và vách đôi trong nhà để nuôi dưỡng và điều trị thương binh, bệnh binh.

Đứng trước nguy cơ ngụy quân, ngụy quyền bị tan rã hàng loạt, Mỹ Diệm điên cuồng phản kích đánh phá vùng giải phóng. Khoảng tháng 3 năm 1962, địch dùng chiến thuật “trực thăng vận” lần đầu tiên đổ quân xuống kinh Chệt Thợ, xã Trường Long, huyện Ô Môn. Bộ binh địch có sự hỗ trợ phi cơ thả bom dầu đánh trứng vào đội hình một đại đội tân binh của ta. Vì tân binh mới tập trung từ các địa phương về, chưa được trang bị vũ khí đầy đủ và chưa có kinh nghiệm chiến đấu nên số lượng thương vong của ta khá đông, phần lớn do bỏng bom dầu. Đồng chí Phước, y tá Quân y tỉnh cũng hy sinh trong trận này.

Số thương binh nặng của ta được đưa về kinh Trà Ếch, rạch Cái Mà, xã Nhơn Nghĩa, huyện Châu Thành để phẫu thuật. Thương binh nhẹ được các mẹ, các chị giữ lại nuôi dưỡng ở tuyến kinh xáng Ô Môn, kinh Xáng Thị Đội thuộc xã Trường Xuân và Thới Lai, huyện Ô Môn. Lực lượng tải thương đều do nhân dân địa phương tổ chức chuyển thương binh về Trạm phẫu thuật. Lúc bấy giờ, bệnh xá Quân y tỉnh Cần Thơ trên dưới mười lăm y tá và cứu thương, tổ phẫu thuật bình thường bố trí ba đồng chí. Lúc này, tập hợp các bộ phận về được sáu, bảy đồng chí, trong đó có một y tá ngoại khoa, còn lại, anh, chị em mới được đào tạo cứu thương. Với sự giúp đỡ tận tình của bà con địa phương ở rạch Cái Mà, tổ phẫu thuật phải mất năm ngày đem mới giải quyết xong hai mươi lăm thương binh, trong đó, hai thương binh gãy xương, còn lại vết thương phần mềm và bị bỏng bom dầu.

Nhờ sự đùm bọc, bảo vệ của bà con nhân dân rạch Cái Mà, chúng tôi ở đây được an toàn suốt thời gian phẫu thuật. Từ đây ra đến đồn địch ở Vàm Xáng chưa đầy năm cây số đường chim bay, vẫn bịt được tai mắt kẻ thù. Thương binh phẫu thuật xong, chúng tôi phân tán ra nhà dân nuôi dưỡng, mỗi nơi hai đến ba đồng chí. Có ba thương binh bị bỏng 50 - 60% cơ thể, được đưa về nhà anh Mai Thanh Hùng, rạch Mương Củi, xã Nhơn Ái, huyện Châu Thành vì nhà anh Hùng có xây hầm bí mật bằng một vách đôi, ngang một mét, dài năm mét, mới đủ chỗ cho ba thương binh nặng nằm.

bv trong long dan 006.jpg

Ba thương binh này do bỏng nặng, bị nhiễm trùng, nhiễm độc nên mê sảng kêu la lảm nhảm suốt cả ngày. Có tin nhân dân cho biết địch tập trung quân tại Phong Điền, chuẩn bị vào càn quét tại vùng này, anh em chúng tôi liền thu dọn đồ đạc, đưa thương binh vào giấu trong vách đôi và theo dõi tình hình địch. Anh Hùng, chủ nhà, báo tin địch đã đến mà anh em thương binh vẫn còn nửa mê, nửa tỉnh, rên la suốt, nếu địch vào nhà sẽ phát hiện ra vách đôi và thương binh thì nhiều khả năng chúng tôi sẽ hy sinh, gia đình anh Hùng và hai cháu nhỏ cũng không tránh khỏi họa lây. Biết làm sao khi trong tay chúng tôi không có một ống thuốc ngủ, một viên thuốc an thần để ổn định cho bệnh nhân. Chúng tôi, cả ba người, đành bất lực.

Với tư thế lựu đạn cầm tay, chúng tôi sẵn sàng sống chết với kẻ thù. Dù có đổi mạng với địch thì xem như chúng tôi làm xong nhiệm vụ với tổ quốc. Chỉ thương cho gia đình anh Hùng vì cách mạng mà liên lụy là điều day dứt, đau đớn nhứt với chúng tôi. Làm gì để cứu gia đình anh Hùng? Đầu óc chúng tôi thật sự căng thẳng. Nghe tiếng chó sủa dồn dập, từ trong vách đôi nhìn ra theo kẽ lá, tôi đếm được từng tên lính một. Bỗng, nghe tiếng ụa mửa của chị Nguyễn Thị Mỹ Ngọc vợ anh Hùng và tiếp theo là tiếng anh Hùng la lớn:

Vợ tôi bị dịch tả. Bà con ai biết thuốc xin cứu giúp. Anh Hùng la lớn.

Bà con lối xóm kéo tới gần chục người, kẻ thì cạo gió, người hơ lửa ủ ấm, người sắc thuốc cho uống. Lời qua, tiếng lại ồn ào che lấp tiếng rên của thương binh. Bọn lính nghe tin bị dịch tả, sợ lây nên kéo nhau đi nhanh qua khỏi khu vực này.

Như một phép lạ cứu thoát chúng tôi và gia đình anh Hùng qua cơn hiểm nghèo! Sau khi bọn lính đi hết, anh Hùng mở cửa vách đôi cho chúng tôi ra, mọi người nhẹ nhõm trong lòng và hết lòng khen ngợi ý kiến của vợ anh Hùng.

Chị Ngọc kể lại:

- Lúc mấy chú vào vách đôi, bọn lính đã kéo tới mà vẫn còn nghe tiếng rên của thương binh, tôi điếng cả người. Không còn cách nào, tôi phải giả bệnh. Tôi vội vã lấy cháo nấu cho thương binh ăn còn lại, đổ thức ăn vào, trộn đều làm chất nôn. Tôi cố móc cổ họng cho ói mửa và bảo chống tôi la lên cho bà con lối xóm chăm sóc giúp. Bọn lính vốn sợ dịch tả nên mới bỏ đi nhanh như vậy mà không nghi ngờ gì, chứ những lần trước qua đây, chúng bắt gà, bắt vịt lâu lắm mới rời khỏi nơi này.

Bây giờ nhớ lại lần đó, nếu không có mưu trí của chị Mỹ Ngọc thì bọn tôi và cả gia đình anh Hùng chẳng biết ra sao. Gần đây, tôi gặp lại anh Mai Thanh Hùng, được biết anh vẫn còn ở nền nhà năm xưa tại rạch Mương Củi, xã Nhơn Ái, huyện Châu Thành. Các cháu con anh Hùng đã trưởng thành. Riêng chị Mỹ Ngọc, vợ anh Hùng, đã qua đời.

Nay tính lại đã hơn ba mươi lăm năm, tôi nhớ lại những kỷ niệm sâu sắc trong cuộc đời không thể nào quên đối với bà con tại rạch Cái Mà, xã Nhơn Nghĩa, huyện Châu Thành trong lần phục vụ thương binh năm 1962 và đặc biệt là lần thoát nạn tại nhà vợ chồng anh Mai Thanh Hùng - Chị Nguyễn Thị Mỹ Ngọc. Một bài học “lấy dân làm gốc” mà Bác Hồ đã dạy chúng ta: “dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Bài học đó ngày nay vẫn còn nguyên giá trị mà thế hệ chúng ta cũng như những thế hệ tiếp theo không bao giờ được lãng quên!

Ngày 16 tháng 12 năm 1998.
BS Huỳnh Trung Thu (Trích Lịch sử Y tế tỉnh Cần Thơ tập II)




Đường dây nóng




Số lượng truy cập