Thứ Sáu, ngày 29-03-2024 Trang chủ| Liên hệ| Góp ý| Sơ đồ   [Đăng nhập]
Tìm kiếm
ĐƯỜNG DÂY NÓNG

 

Hồ sơ công việc
 
 
 
Tin hoạt động Ngành
40 năm một chặng đường lịch sử
[ Cập nhật vào ngày (06/03/2015) ] - [ Số lần xem: 1293 ]

Những trang lịch sử khó phai

40 nam tin nang lom nguc sua_2767.jpg
Y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ thực hiện ca phấu thuật nâng lõm ngực đầu tiên ở ĐBSCL. Ảnh: L.Y

Nằm ở vị trí trung tâm của vùng đồng bằng sông Cửu Long, từ hơn trăm năm trước, Cần Thơ đã được mệnh danh là Tây Đô - Thủ phủ của miền Tây Nam bộ. Chính vì vậy, thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đều xem đây là địa thế để đặt cơ quan chỉ huy và ta cũng xem Cần Thơ là trọng điểm để tấn công vào cơ quan đầu não của địch nhằm giải phóng khu Tây Nam bộ. Ngành Y tế trong kháng chiến, vì mục tiêu này, đã tập trung dồn sức để phục vụ cho chiến trường Cần Thơ. Trải qua hai cuộc kháng chiến khốc liệt, cán bộ y tế đã được thử thách, tôi luyện không ngừng để vừa tiến bộ về chuyên môn vừa phải mưu trí, kiên cường chiến đấu với kẻ thù; không ít người đã âm thầm hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Chỉ tính trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, đã có 175 liệt sĩ là cán bộ y tế.

Sau ngày giải phóng, Sở Y tế Khu Tây Nam bộ được Khu ủy phân công tiếp quản Ty Y tế Phong Dinh, Bệnh viện Thủ Khoa Nghĩa hay còn gọi là Trung tâm y tế toàn khoa; kho thuốc và trang thiết bị y tế vùng 4 chiến thuật; trường cán sự điều dưỡng; cô nhi viện… Riêng con người thì có 22 cán bộ đại học ra trình diện. Khu Tây Nam bộ lúc đó có 15 đơn vị trực thuộc với 436 cán bộ y tế đủ mọi trình độ. Với ngần ấy con người, y tế Khu phải chi viện cho các tỉnh nhưng lực lượng hùng hậu được giữ lại cho Cần Thơ để bắt đầu một cuộc chiến đấu mới chống đói nghèo, dịch bệnh và hàn gắn vết thương chiến tranh.

Thời điểm đó, ngành y tế phải đối mặt với bao thách thức: lực lượng cán bộ y tế của ta quá mỏng, trình độ chuyên môn được đào tạo gấp rút trong kháng chiến chưa đáp ứng được yêu cầu chăm sóc sức khỏe người dân. Mạng lưới y tế cơ sở và công tác phòng, chống dịch bệnh hầu như là con số không. Các loại dịch bệnh như tiêu chảy, kiết lỵ, thương hàn, dịch hạch, sốt xuất huyết... lại liên tục xảy ra.

Ngày 4/3/1976, Quốc hội quyết định nhập 2 tỉnh Cần Thơ và Sóc Trăng thành tỉnh Hậu Giang gồm 15 huyện, thị, thành, dân số khoảng 2 triệu người. Để giải quyết những vấn đề về sức khỏe, ngành y tế đã đưa ra bốn giải pháp mang tính chiến lược: Một là, nhanh chóng thành lập mạng lưới y tế cơ sở đều khắp trong tỉnh, từng bước đưa bác sĩ về huyện và đưa y sĩ về xã; Hai là, xây dựng cơ sở khám chữa bệnh và sinh đẻ kế hoạch ở nông thôn, vùng đông dân cư; Ba là, chủ động phòng, chống dịch bệnh; Bốn là, đẩy mạnh hoạt động sản xuất và phân phối thuốc.

Do đất rộng, người đông, giao thông trắc trở nên lãnh đạo Ty Y tế Hậu Giang thống nhất theo hướng cứ 30.000 dân thì tổ chức một phòng khám đa khoa khu vực; vùng căn cứ cách mạng, vùng sâu thì tổ chức thành phân viện có chất lượng khám tương đương bệnh viện huyện, qui mô khoảng 30 giường, thực hiện được trung phẫu. Riêng y tế xã thì chỉ tổ chức được mỗi huyện vài xã.

Tuy lúc này ngân sách vô cùng khó khăn, nhưng lãnh đạo tỉnh rất quan tâm đến ngành y tế và đầu tư xây dựng bệnh viện tuyến huyện. Năm 1976, Bệnh viện Long Mỹ - bệnh viện đầu tiên được sau giải phóng - được khánh thành, qui mô 65 giường, có 3 khoa: nội, ngoại và sản. Cũng trong năm 1976, ngành y tế khởi công xây dựng thêm 11 bệnh viện cấp huyện và 26 trạm xá xã.

Song song với việc xây dựng cơ sở vật chất, tỉnh đẩy mạnh đào tạo cán bộ y tế để bổ sung nguồn lực đang thiếu trầm trọng. Tháng 5/1976, Trường Sơ học y tế Hậu Giang được thành lập, có nhiệm vụ đào tạo y tá, hộ sinh, dược tá, nha tá, đông y… và bổ túc văn hóa cấp một cho cán bộ sơ cấp kháng chiến để tạo nguồn đào tạo trung cấp. Cuối năm 1976, mỗi huyện đều có 1 đến 2 bác sĩ để chăm lo sức khỏe đồng bào. Đến tháng 4 năm 1977, Trường Trung cấp Y, Dược khu Tây Nam bộ được Bộ Y tế giao lại cho tỉnh Hậu Giang và đổi tên thành trường Trung học y tế. Đến năm 1978, Ty Y tế Hậu Giang hợp nhất trường Sơ học, Trung học y tế và bệnh viện Vị Thanh thành “Viện - Trường Y tế Vị Thanh” đào tạo y sĩ.

Trạm Vệ sinh phòng dịch và sốt rét (tiền thân của Trung tâm Y tế dự phòng  tỉnh) được thành lập vào năm 1976. Do điều kiện vật chất và kỹ thuật còn nhiều hạn chế nên trạm chỉ tập trung phòng, chống các dịch bệnh sốt rét, SXH và tả. Cũng trong giai đoạn năm 1976 - 1977, ngành y tế lần lượt thành lập Trạm Da liễu, Trạm bảo vệ sức khỏe Bà mẹ trẻ em - KHHGĐ, Trạm chống lao, Trạm tâm thần, Trạm mắt, Trạm nghiên cứu dược liệu, Trạm kiểm nghiệm dược phẩm, Trạm giám định y khoa và Trạm vật tư sửa chữa thiết bị y tế.

Tỉnh Hậu Giang có công ty Dược phẩm Hậu Giang, tiền thân là xí nghiệp dược phẩm 2 tháng 9 của Ban Dân y khu Tây Nam bộ. Do không có nguyên liệu, xí nghiệp cùng các cơ sở sản xuất thuốc của bệnh viện huyện đã tận dụng nguồn dược thảo nội địa để bào chế ra những mặt hàng thuốc thông thường như thuốc bổ trẻ em, thuốc ho, thuốc trị bệnh ngoài da, rượu thời khí… Toàn ngành y tế đã ra lời kêu gọi đẩy mạnh hoạt động đông y, phát triển vườn rau cây thuốc, kết hợp đông tây y trị bệnh.

Trong thời kỳ bao cấp, theo Thông tư liên Bộ Y tế và tài chính và chỉ đạo của UBND tỉnh Hậu Giang, từ ngày 15/11/1977, ngành y tế bắt đầu thực hiện điều trị bệnh miễn phí cho nhân dân.

Năm 1979, chiến tranh biên giới Tây Nam xảy ra, Ty Y tế Hậu Giang phải chi viện cho tỉnh An Giang một đội phẫu thuật và tháng 11/1979 thì thành lập một bệnh viện dã chiến do bác sĩ Lê Minh Tới, hiệu phó trường Trung học y tế làm Bệnh viện trưởng lên đường ra mặt trận, với 80 biên chế gồm 4 bác sĩ, 10 y sĩ và kỹ thuật viên dược, số còn lại là học sinh y sĩ chính qui năm thứ hai. Suốt thời gian phục vụ, bệnh viện dã chiến tiếp nhận 850 chiến thương.

Mặc dù ảnh hưởng của chiến tranh biên giới Tây Nam và lũ lụt gây nhiều tổn thất, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ và UBND tỉnh Hậu Giang, ngành y tế đã cố gắng vượt qua mọi khó khăn, từng bước vươn lên và phát triển.

Vượt lên đói nghèo

40 nam scan 03.jpg
Lãnh đạo tỉnh Cần Thơ thăm cơ sở vật chất và trang thiết bị của Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ

Năm 1981, cả nước bắt đầu thực hiện phong trào y tế “5 dứt điểm” gồm 3 công trình vệ sinh; quản lý sức khỏe; sinh đẻ có kế hoạch; trồng và sử dụng thuốc nam; kiện toàn tổ chức y tế cơ sở.

Từ năm 1981 đến 1985, ngành tiếp tục xây dựng mạng lưới y tế cơ sở và đẩy mạnh đào tạo. Trường Trung học y tế mỗi năm đào tạo 1.000 y sĩ đa khoa chiêu sinh trình độ từ cấp II trở lên. Do các tỉnh trong khu vực chưa có trường y nên tỉnh Hậu Giang chịu trách nhiệm đào tạo cho cả các tỉnh lân cận. Ngành cũng gửi cán bộ về tuyến trên để đào tạo chuyên tu bác sĩ, dược sĩ đại học, kỹ thuật viên xét nghiệm, gây mê, X quang, vật lý trị liệu...

Giai đoạn này, công tác NCKH sáng kiến sáng chế đặc biệt được ngành y tế chú trọng. Tháng 11/1981, Hội đồng khoa học kỹ thuật do Trưởng Ty Y tế làm chủ tịch được thành lập, thành viên là các chuyên khoa đầu ngành trực thuộc Ty. Một số đề tài nghiên cứu và sáng kiến được đánh giá cao là “Xây dựng màng lưới y tế xã, phường” của bác sĩ Lê Minh Tới; “Sử dụng nước dừa thay dịch truyền” của bác sĩ Nguyễn Công Thiện,…

Phát huy tinh thần tự lực tự cường, ngành đã tập trung nghiên cứu điều trị nhiều căn bệnh bằng đông tây y kết hợp. Cây ô rô là loại dược liệu quí được Hội nghị khoa học của Bộ Y tế kết luận về hiệu quả điều trị với phổ kháng khuẩn rộng và cho phép sử dụng trong điều trị bệnh nhiễm khuẩn với tên thương phẩm là Kasanta.

Bước ra thế giới

Năm 1986, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 6 đã đưa ra chính sách đổi mới: xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, chuyển sang cơ chế thị trường. Ngành y tế lúc này chuyển nhiệm vụ chiến lược từ phong trào 5 dứt điểm trở thành Chăm sóc sức khỏe ban đầu và 6 chương trình y tế quốc gia. Đối với y tế tuyến huyện, năm 1989 bắt đầu thực hiện ghép phòng y tế, bệnh viện và đội vệ sinh phòng dịch thành Trung tâm y tế huyện.

Năm 1992, Quốc hội quyết định chia tỉnh Hậu Giang để tái lập tỉnh Sóc Trăng và tỉnh Cần Thơ. Lúc này, ngân sách bao cấp không bao nổi chi phí chữa bệnh cho toàn dân, ngành y tế hoạt động hết sức khó khăn. Mãi đến năm 1994, khi chính phủ cho phép thu một phần viện phí, áp lực bệnh nhân về tuyến tỉnh mới được giảm bớt, chất lượng phục vụ ngày càng nâng lên. Từ nguồn ngân sách nhà nước và viện phí, một số máy móc được trang bị để áp dụng kỹ thuật mới như chụp cắt lớp, lọc thận nhân tạo, tán sỏi ngoài cơ thể, phẫu thuật nội soi, mổ mắt bằng Laser, phaco.

Thời điểm này, Cần Thơ có bệnh viện Đa khoa qui mô 550 giường; bệnh viện Nhi đồng 200 giường; BV Y học cổ truyền 70 giường; ngoài ra còn có các trung tâm chuyên khoa. Với sự nỗ lực của toàn ngành, đến năm 1998, 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn của Cần Thơ có bác sĩ, được Bộ Y tế biểu dương là tỉnh điển hình toàn quốc về phủ kín bác sĩ, nữ hộ sinh tại trạm y tế và 100% ấp có nhân viên y tế.

Về công tác đào tạo, từ năm 1987, Cần Thơ bắt đầu đào tạo cán bộ y tế sau đại học. Lớp đầu tiên là lớp chuyên khoa I nhiễm rồi lần lượt ngoại, nhi, nội, mắt - tai mũi họng; đến năm 1997, đào tạo thêm chuyên ngành dược, y tế công cộng, gây mê hồi sức, sản, lao và thần kinh; năm 1999, mở lớp chuyên khoa II đầu tiên của ĐBSCL về tai mũi họng.
Thành tựu nổi bật trong giai đoạn từ năm 2000 đến 2004 là củng cố và hoàn thiện y tế cơ sở theo Chỉ thị 06-CT/TW của Ban Chấp hành TW Đảng và xây dựng Trạm Y tế đạt Chuẩn Quốc gia về y tế xã. Điều đó đã làm thay đổi bộ mặt y tế xã, chất lượng chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân được nâng lên rõ rệt.

Cũng trong năm 2002, ngành y tế đã thành lập Đội Thầy thuốc khám chữa bệnh cho người nghèo gồm 170 y bác sĩ. Mỗi tháng Đội đi khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo và gia đình chính sách từ 01 đến 02 lần.

Vươn lên tầm cao mới

Năm 2004, tỉnh Cần Thơ được chia tách thành tỉnh Hậu Giang và TP Cần Thơ trực thuộc trung ương, mở ra vận hội mới để ngành y tế phát triển theo hướng hiện đại, trở thành trung tâm y tế kỹ thuật của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Toàn ngành hiện có 4.458 cán bộ nhân viên, trong đó, tiến sĩ là 04; chuyên khoa cấp II là 80; Thạc sĩ và tương đương: 89; chuyên khoa cấp I là 313; Đại học và tương đương: 1.106. Toàn ngành hiện có 05 Thầy thuốc nhân dân.

Mạng lưới y tế cơ sở hiện phát triển rộng khắp thành phố: 85/85 trạm y tế đạt Bộ Tiêu chí Quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011-2020; 100% trạm có nữ hộ sinh trung học, dược sĩ trung học và y sĩ y học cổ truyền; 100% ấp, khu vực có nhân viên y tế hoạt động. Bình quân có 7 cán bộ nhân viên cho một trạm y tế.

Thành tựu đáng kể mà toàn ngành đạt được hiện nay là công tác chủ động phòng, chống dịch bệnh. Mặc dù thời gian gần đây cả thế giới đối mặt với nhiều dịch bệnh nguy hiểm liên tục xảy ra, nhưng thành phố Cần Thơ không xảy ra dịch bệnh lớn. Năm 2008 Cần Thơ được loại ra khỏi 10 tỉnh, thành có tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS cao nhất nước. Bộ Y tế đánh giá cao và đã chọn Cần Thơ để triển khai thí điểm một số mô hình mới như: mô hình Sáng kiến 2.0, điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone, thành phố hướng tới mục tiêu “ba không”... Năm 2010, Cần Thơ được Bộ Y tế công nhận đã loại trừ bệnh phong.

Công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm có nhiều tiến bộ. Hàng năm, Ban Chỉ đạo liên ngành ATVSTP đã tổ chức nhiều đợt thanh, kiểm tra các hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trong các dịp Lễ hội, Trung thu, Tết Nguyên đán, … nên không có vụ ngộ độc thực phẩm lớn xảy ra trên địa bàn.

Cần Thơ cũng đã sớm đạt được mức sinh thay thế mỗi gia đình chỉ có từ 1 đến 2 con, thành phố đang tập trung hướng tới các mô hình nâng cao chất lượng dân số như mô hình CLB tiền hôn nhân, CLB Tuổi hồng, sàng lọc trước sinh và sơ sinh, … nhằm tạo ra một thế hệ tương lai khỏe mạnh, vượt trội về chiều cao và phát triển ưu việt về trí tuệ.

Về công tác điều trị, tuyến thành phố hiện có 11 bệnh viện công lập, 01 trung tâm Chẩn đoán y khoa; tuyến quận/huyện có 06 bệnh viện và 02 trung tâm y tế. Ngành đã triển khai nhiều kỹ thuật chuyên môn mới như: kỹ thuật đặt stent mạch vành; phẫu thuật can thiệp tim hỡ; phẫu thuật cắt khối phình động mạch chủ bụng thay bằng ống ghép nhân tạo; phẫu thuật kết hợp xạ trị trong điều trị các loại ung thư... Nhiều bệnh viện đã ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý khám, chữa bệnh. Kỹ thuật nội soi được xem là bước đột phá trong toàn ngành đã được chuyển giao đến bệnh viện tuyến huyện.

Khoa Hiếm muộn vô sinh của bệnh viện Đa khoa thành phố ra đời vào năm 2010. Trung tâm Sàng lọc trước sinh và sơ sinh TP Cần Thơ đã được thành lập từ tháng 7 năm 2013 nhằm phát hiện và có biện pháp can thiệp sớm các dị tật, dị dạng thai nhi, phục vụ nhu cầu sàng lọc cho cả vùng ĐBSCL.

Ngành Dược phát triển ổn định. Từ năm 2006 đã thực hiện đấu thầu tập trung cung ứng thuốc; Ưu tiên sử dụng thuốc sản xuất trong nước để điều trị tại các bệnh viện.

Người nghèo ở vùng sâu cũng được thường xuyên khám chữa bệnh miễn phí. Từ năm 2002 đến nay, Đội Thầy thuốc tình nguyện đã tổ chức 407 đợt với tổng số lượt khám là 343.295 lượt, siêu âm 55.362 người, tổng chi phí 12 tỷ 767 triệu đồng. Từ năm 2007 đến năm 2014, Bệnh viện Mắt - RHM đã mổ mắt miễn phí cho 8.589 người mù nghèo, thể hiện bản chất nhân đạo của ngành y tế trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Hưởng ứng cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, từ năm 2007 đến nay, ngành đã phát động nhiều phong trào rèn luyện Y đức qua các Hội thi, các buổi nói chuyện về y đức và Qui tắc ứng xử.... Hàng năm, ngành còn tổ chức chuyến đi “Về nguồn” đưa gia đình cán bộ y tế là thương binh liệt sĩ thăm di tích lịch sử; Họp mặt Ban Dân y; Họp mặt cán bộ y tế từng bị tù đày trong kháng chiến.

Với những thành tích đạt được trong thời gian qua, Ngành Y tế TP Cần Thơ đã vinh dự được Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế tặng nhiều Huân chương, Bằng khen cho  tập thể và cá nhân. Năm 2010, Ban Dân Y tỉnh Cần Thơ nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Năm 2012, ngành Y tế vinh dự được nhận Huân chương Lao động hạng nhất do Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao tặng.

“Bốn mươi năm - Một chặng đường lịch sử”, nhiều thế hệ thầy thuốc từ trong 2 cuộc kháng chiến cho đến nay vô cùng tự hào với bề dày truyền thống của ngành. Từ trong gian khó hy sinh, đối mặt với những thử thách của thiếu thốn, đói nghèo, cán bộ y tế Cần Thơ càng được tôi luyện và trưởng thành. Để đến ngày hôm nay, sau 40 năm hòa bình, y tế Cần Thơ vô cùng tự hào có được một lực lượng thầy thuốc hùng hậu giỏi tay nghề chuyên môn, đáp ứng khá tốt nhu cầu chăm sóc sức khỏe người dân, xứng đáng với vai trò là đơn vị y tế chủ lực của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Mộng Thu Theo Lịch sử ngành Y tế tập II và III




Đường dây nóng




Số lượng truy cập