Thứ Năm, ngày 25-04-2024 Trang chủ| Liên hệ| Góp ý| Sơ đồ   [Đăng nhập]
Tìm kiếm
ĐƯỜNG DÂY NÓNG

 

Hồ sơ công việc
 
 
 
Tin hoạt động Ngành
Chủ động phòng ngừa dịch bệnh giảm
[ Cập nhật vào ngày (06/03/2015) ] - [ Số lần xem: 919 ]

chu dong phong ngua_8230.jpg
Trung tâm Y tế dự phòng thành phố nhận Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ cho đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua năm 2013.Ảnh: L.A

Năm 2014, Trung tâm Y tế dự phòng thành phố Cần Thơ được tặng Bằng khen và Cờ thi đua của Thủ tướng. Trung tâm còn là một trong bốn đơn vị y tế ở Cần Thơ được tặng Cờ thi đua của UBND thành phố nhằm ghi nhận những thành quả phòng chống dịch bệnh, xây dựng và phát triển Trung tâm trong một năm nhiều biến động và thách thức của các dịch bệnh nguy hiểm.

Dập dịch cuối năm

Năm 2014, huyện Cờ Đỏ có 133 ca mắc sốt xuất huyết, nhiều hơn 80 ca so cùng kỳ và chiếm 21,4% tổng số ca mắc của toàn thành phố. Tại huyện đã xảy ra 39 ổ dịch nhỏ, chiếm gần 46% tổng số ổ dịch nhỏ trong toàn thành phố. Dịch bệnh sốt xuất huyết xảy ra nhiều nhất ở xã Trung Hưng, 43 ca mắc, kế đó là xã Thạnh Phú 21 ca, Thới Hưng 18 ca, Trung Thạnh 16 ca và thị trấn Cờ Đỏ 14 ca.

Tại huyện Cờ Đỏ, số ca mắc sốt xuất huyết tăng cao so năm 2013, nhiều ổ dịch sốt xuất huyết nhỏ xuất hiện, âm ỉ kéo dài khiến dịch sốt xuất huyết có nguy cơ bùng phát và lan rộng. Để khống chế dịch bệnh, Đảng bộ, chính quyền và các ban ngành, đoàn thể huyện đã vào cuộc cùng với ngành Y tế, xác định các ấp trọng điểm dịch để tập trung dập dịch. Hằng trăm cán bộ ban ngành, đoàn viên thanh niên của huyện đã được điều động đến xã Trung Hưng và xã Thạnh Phú để giúp hai địa phương này diệt lăng quăng, phun thuốc diệt muỗi.

Sáng kiến truyền thông phòng, chống dịch

Chiếc xe honda máy gắn loa phát thanh và máy cassette ở yên sau - sáng kiến cách nay ba năm của bác sĩ Đinh Xuân Hải, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện, tiếp tục được sử dụng đi sâu vào các ấp để phát thông tin phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết. Giám đốc và cán bộ của Trung tâm Y tế dự phòng thành phố xuống tận xã Trung Hưng, xã Thạnh Phú,  huyện Cờ Đỏ để chỉ đạo và cùng tham gia dập dịch với cán bộ và người dân địa phưong. Sự quyết liệt, khẩn trương trong phòng chống dịch bệnh và sự đồng lòng hiệp lực của đảng viên, cán bộ các ban ngành, đoàn thể và nhân viên y tế đã góp phần quyết định khống chế dịch bệnh, trả lại cho người dân cuộc sống bình yên.

Số ca mắc sốt xuất huyết giảm trên 5/7 quận, huyện

Năm 2014, thành phố ghi nhận 541 ca mắc sốt xuất huyết, thấp nhất từ năm 2009 đến nay, giảm 80 ca so với năm 2013. Ngoài huyện Cờ Đỏ có số ca mắc sốt xuất huyết tăng cao, kế đó là quận Thốt Nốt, các quận, huyện còn lại gồm Bình thủy, Cái Răng, Thới Lai, Phong Điền và Ninh Kiều đều ghi nhận số ca mắc sốt xuất huyết giảm, trong đó quận Ninh Kiều giảm được hơn 60% số ca mắc so với năm 2013. Hai quận, huyện Ô Môn và Vĩnh Thạnh có số ca mắc sốt xuất huyết tương đương năm 2013.

Nguyên nhân tăng, giảm số ca mắc sốt xuất huyết

Chu dong phong ngua dich benh giam_0093.jpg
Ông bà Lâm Kim Lến, xã Trung Hưng, huyện Cờ Đỏ đậy kín lu khạp chứa nước để phòng bệnh sốt xuất huyết cho con cháu. Ảnh: Trần Chu

Các chuyên gia lĩnh vực y tế dự phòng cho rằng một trong những nguyên nhân khiến cho dịch sốt xuất huyết diễn biến khó lường là do tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và Cần Thơ là một trong những địa phương đang phải gánh chịu những tác động không mong muốn ấy. Bác sĩ Đinh Xuân Hải, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Cờ Đỏ cho rằng môi trường chưa tốt và người dân nhiều nơi trong huyện còn có tập quán sử dụng nước mưa, không che đậy lu, khạp cẩn thận, đời sống còn khó khăn, không chăm sóc con cái chu đáo, lơ là không theo hướng dẫn thường xuyên kiểm tra vật dụng chứa nước, đổ lăng quăng, diệt muỗi của cán bộ phòng dịch... đã dẫn tới dịch bệnh bùng phát theo chu kỳ 3 - 5 năm. Và còn có những lời giải thích cho vui như dịch bệnh nhiều hay ít là do “hên, xui”.
Thật ra không có gì tự nhiên mà có. Năm nào Cần Thơ cũng tổ chức 2,3 chiến dịch diệt lăng quăng, phòng chống sốt xuất huyết, chủ động đón đầu dịch bệnh để giảm thấp nhất số ca mắc, giảm số ổ dịch và nhất là không để xảy ra tử vong. Bác sĩ Bùi Thị Lệ Phi luôn nhắc nhở lãnh đạo Trung tâm Y tế dự phòng thành phố và các Trung tâm Y tế dự phòng quận, huyện xây dựng kế hoạch, dự trù kinh phí cho  phòng, chống dịch từ đầu năm để luôn chủ động tổ chức thực hiện các chiến dịch phòng chống dịch bệnh, huy động được đông đảo người dân tham gia cũng như tranh thủ được sự chỉ đạo, ủng hộ từ Đảng bộ, Hội đồng nhân dân và UBND các cấp.

Lãnh đạo Sở Y tế, trung tâm y tế dự phòng thành phố và các quận, huyện luôn coi trọng sự phối hợp với ngành giáo dục trong các hoạt động tập huấn kiến thức phòng chống sốt xuất huyết, thực hành kỹ năng truyền thông phòng chống dịch bệnh cho giáo viên và học sinh - một lực lượng đông đảo, quan trọng trực tiếp tác động và hình thành thói quen đổ bỏ lăng quăng, vệ sinh môi trường nơi ở.

Trong báo cáo tổng kết công tác năm 2014, Trung tâm Y tế dự phòng thành phố xây dựng nhiều biểu đồ để mọi người có thể hiểu rõ hơn về diễn biến tình hình dịch bệnh nói chung và sốt xuất huyết nói riêng. Điều này cũng giúp cho công tác chỉ đạo của lãnh đạo Trung tâm nữa. Chẳng hạn, báo cáo đưa ra khuyến cáo: cần đưa nhóm trẻ lứa tuổi trên 15 vào đối tượng để tiếp cận tuyên truyền vì nhóm tuổi này có số ca mắc tăng gần đôi so với nhóm tuổi có số ca cao thứ hai (một tuổi: 52 ca). Một điều đáng lưu ý nữa, biết được số ca mắc sốt xuất huyết thường tăng vào sáu tháng cuối năm, lãnh đạo chính quyền và ngành y tế địa phương sẽ chủ động hơn trong việc tiến hành các biện pháp phòng bệnh.

Cần Thơ đang trên đường xây dựng một thành phố văn minh, xanh, sạch, đẹp; người dân có đời sống tinh thần phong phú, khỏe mạnh, thông minh, nhân hậu và lịch thiệp. Năm 2015, để góp phần xây dựng và phát triển thành phố, ngành Y tế thành phố đang tích cực đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị y khoa tiên tiến, giúp các bệnh viện nâng cao chất lượng điều trị. Ngành Y tế thành phố cũng đang tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng bệnh với mục tiêu không để bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như SARS (Hội chứng hô hấp cấp tính nặng), cúm A (H5N1)/(H7N9, dịch tả, dịch hạch xảy ra; giảm tỷ lệ mắc và chết do các bệnh lây qua đường ăn uống như bệnh tay chân miệng, tiâu chảy, thương hàn, lỵ; các bệnh do muỗi truyền như sốt xuất huyết, sốt rét, viêm não Nhật Bản.
CN Trần Mạnh Chu




Đường dây nóng




Số lượng truy cập