Thứ Bảy, ngày 20-04-2024 Trang chủ| Liên hệ| Góp ý| Sơ đồ   [Đăng nhập]
Tìm kiếm
ĐƯỜNG DÂY NÓNG

 

Hồ sơ công việc
 
 
 
Tin hoạt động Ngành
“Tròn vai” hệ thống y tế tuyến đầu
[ Cập nhật vào ngày (02/03/2015) ] - [ Số lần xem: 827 ]

Một trụ sở hai tầng khang trang còn phảng phất mùi sơn là ngôi nhà mới của tập thể y, bác sĩ Trạm y tế phường Bùi Hữu Nghĩa (quận Bình Thủy), thỏa niềm ước mong bấy lâu nay về giấc mơ “an cư lạc nghiệp”. Đây cũng chính là mốc đánh dấu hoàn thiện cơ sở vật chất của hệ thống y tế tuyến đầu của thành phố, với 85/85 trạm y tế có trụ sở hoạt động, góp phần thuận lợi trong hoạt động bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho người dân địa phương.

w_Bai tron vai yttd CN Chu_BBT_bai tron vai ytcs.jpg
Bác sĩ Lê Đức Trọng đang hốt thuốc cho bệnh nhân.

* Thu hút khám, chữa bệnh tại trạm

Dọc lối vào Trạm Y tế phường Tân Hưng (quận Thốt Nốt) có hàng chục nia thuốc nam đang phơi mình đón nắng sớm. Trong khuôn viên sân trạm, nhiều người cao tuổi vừa thoăn thoắt  chặt cây thuốc nam, vừa trò chuyện, nói cười rôm rả. Quang cảnh trạm y tế khang trang, sạch đẹp. Ở dãy phòng bên trái của trạm, nhiều bệnh nhân đang chăm chỉ tập luyện vật lý trị liệu với các dụng cụ phục hồi chức năng theo sự hướng dẫn của cán bộ y tế. Tôi gặp bà Nguyễn Thị Bông (52 tuổi, ở khu vực Tân Phước 1), đang tập vật lý trị liệu tại đây, bà cho biết: “Tôi mắc bệnh tiểu đường, thoái hóa cột sống. Hơn 2 tháng nay, từ khi biết bệnh của mình, ngày nào tôi cũng đến đây tập luyện. Các y, bác sĩ nơi đây đối xử với người bệnh thân tình như người nhà”.

Bác sĩ y học cổ truyền Lê Đức Trọng, Trưởng Trạm Y tế phường Tân Hưng, cho biết, thế mạnh thu hút đông bệnh nhân của đơn vị chính là khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền, kết hợp đông, tây y. Trung bình mỗi ngày, trạm tiếp nhận khám, điều trị trung bình khoảng 60 - 70 bệnh nhân, trong đó, khoảng phân nửa được điều trị bằng phương pháp châm cứu, hốt thuốc nam. Trạm đã triển khai siêu âm, sắp tới sẽ là đo điện tim để giúp cho việc chẩn đoán, tầm soát bệnh tốt hơn.

Cùng với nâng cao chất lượng chuyên môn, lãnh đạo Trạm Y tế phường Tân Hưng luôn quan tâm nhắc nhở đội ngũ y, bác sĩ rèn luyện Y đức, hết lòng phục vụ bệnh nhân. Hiệu quả khám, chữa bệnh của Trạm y tế Tân Hưng còn nhờ vào công tác vận động xã hội hóa. Bác sĩ Bùi Văn Khanh, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng quận Thốt Nốt, cho biết: “Trạm Y tế phường Tân Hưng thu hút đông bệnh nhân nhờ chú trọng nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh đi đôi với tinh thần tận tụy hết lòng với bệnh nhân. Đặc biệt, công tác xã hội hóa của Trạm Y tế phường Tân Hưng, đạt hiệu quả vượt trội so với các đơn vị khác trên địa bàn”. Năm 2013, trạm được đầu tư 2 phòng tập vật lý trị liệu và phòng thuốc nam, tổng kinh phí khoảng 400 triệu đồng từ các nhà hảo tâm tài trợ. Ngoài ra, trạm còn được trang bị hai xe cứu thương từ thiện, hoạt động đắc lực, chuyển viện miễn phí cho hàng trăm lượt người bệnh nghèo mỗi năm. Hoạt động xã hội hóa của trạm y tế đạt hiệu quả cao là nhờ sự tin tưởng, hết lòng ủng hộ của các mạnh thường quân như ông Trần Quốc Thới, nguyên là cán bộ của trạm, đã nghỉ hưu nhưng vẫn chưa chịu nghỉ ngơi, vẫn tích cực tham gia công tác vận động xã hội hóa xây dựng trạm y tế. Và còn nhiều cá nhân nhiệt tình khác đã tạo thành một phong trào mạnh mẽ góp sức cùng địa phương chung tay với công tác xã hội hóa chăm sóc sức khỏe cho người dân.

* Chủ động phòng, chống dịch

w_Bai tron vai yttd CN Chu_BBT_bai tron vai ytcs 1.jpg

Cán bộ tổ y tế ấp Thạnh Lộc 1, xã Trung An phát tờ bướm tuyên truyền phòng chống dịch bệnh cho các hộ dân.

Vừa rồi, theo chân cộng tác viên y tế đến vãng gia các hộ dân ở ấp Thạnh Lộc 1, xã Trung An, huyện Cờ Đỏ, chúng tôi ghi nhận người dân nơi đây rất quan tâm công tác chăm sóc sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng. Hộ bà Võ Thị Lài, nhà cửa khang trang, sạch đẹp, bên hông nhà, các hàng kiệu chứa nước mưa đều có nắp đậy kín, được kê cao ráo, sạch sẽ. Bà Lài cho biết: “Tôi luôn nhắc nhở con cháu dọn dẹp nhà cửa, sân vườn sạch sẽ để đảm bảo sức khỏe. Nhà tôi có mấy đứa cháu nhỏ, ngày hay đêm tôi luôn nhắc các cháu ngủ mùng để phòng bệnh sốt xuất huyết”.

Xã Trung An là một trong những địa phương tiêu biểu của thành phố về công tác phòng, chống dịch bệnh hiệu quả. Trưởng Trạm Y tế xã Trung An Nguyễn Văn Lập, chia sẻ: “Trong công tác phòng dịch quan trọng là tuyên truyền vận động, huy động được nguồn lực xã hội, nâng cao ý thức của cộng đồng”. Hàng năm, trạm y tế đều tham mưu cho Đảng ủy, UBND xã, lập kế hoạch phòng chống dịch bệnh cụ thể. Ngoài ra, xã Trung An còn thụ hưởng lợi ích từ dự án tiểu vùng sông Mekong. Ông Lê Phước Thông, Phó Chủ tịch UBND xã Trung An, cho biết, xã Trung An được công nhận là xã nông thôn mới đầu năm 2014. Trong 20 tiêu chí đạt được, có 2 tiêu chí về lĩnh vực y tế. Kết quả đạt được là nhờ sự đồng lòng từ chính quyền, đoàn thể đến người dân. Trong 5 năm qua, Trung An không xảy ra ổ dịch nào. Năm 2014, trên 73% người dân tham gia bảo hiểm y tế, ý thức chăm sóc sức khỏe của người dân ngày càng nâng cao, góp phần vào thành công của xã nông thôn mới.

Trạm Y tế phường Tân Hưng và Trạm Y tế xã Trung An là hai đơn vị tiêu biểu trong tổng số 85 trạm y tế xã, phường, thị trấn, làm tròn vai trò khám chữa bệnh ban đầu, phòng chống dịch tại cộng đồng và thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế. Thời gian qua, lãnh đạo các cấp, các ngành đã chung tay cùng với ngành y tế, tập trung đầu tư cho hệ thống y tế tuyến đầu có đủ điều kiện thuận lợi để phát huy tối đa vai trò, nhiệm vụ, hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân địa phương.

Từ năm 2011 đến năm 2014, ngành y tế thành phố tổ chức Lễ đi bộ hướng về y tế cơ sở, thu được khoảng 4 tỷ đồng đầu tư trang thiết bị cần thiết, gồm: máy siêu âm, điện tim, máy đo đường huyết,... cho các trạm y tế. Bác sĩ CKII Nguyễn Trung Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết: “Thời gian qua, hệ thống trạm y tế đã tham mưu cho chính quyền địa phương huy động mọi nguồn lực để chăm sóc sức khỏe nhân dân, nhất là vận động mọi người tự giải quyết vấn đề sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng. Trạm đã tổ chức, giám sát và phát hiện, điều tra, xử lý những ca bệnh đầu tiên. Nhờ đó, nhiều năm liền thành phố không có các dịch bệnh lớn xảy ra...”. Cũng theo bác sĩ Nghĩa, thời gian tới, ngành y tế tiếp tục nâng chất hệ thống trạm y tế, thu hút cán bộ về công tác tại y tế cơ sở, tăng cường phối hợp liên ngành nhằm hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở gắn với thực hiện các tiêu chí quốc gia về nông thôn mới. Đến nay, thành phố đã có 100% trạm y tế đạt Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011-2020.

Trước khi tôi rời khỏi Trạm Y tế phường Tân Hưng, bà Nguyễn Thị Bông, đang ở phòng tập vật lý trị liệu, còn hồ hởi nói với theo: “Sang năm, tôi và người thân sẽ đăng ký khám chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu tại trạm y tế phường, vừa gần nhà, vừa đỡ tốn kém chi phí đi lại, mà cũng an tâm về chất lượng khám, chữa bệnh”.

Là cơ sở khám, chữa bệnh ban đầu, các trạm y tế đang được quan tâm đầu tư để có thể hoàn thành tốt nhất vai trò chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Đáp lại sự kỳ vọng của lãnh đạo Đảng bộ, chính quyền địa phương và lòng tin yêu của  dân, đội ngũ thầy thuốc, công chức, viên chức các trạm y tế luôn không ngừng rèn luyện chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp để phục vụ người bệnh tốt hơn và để trạm y tế luôn “tròn vai” hệ thống y tế tuyến đầu.

Bài, ảnh: Thu Sương




Đường dây nóng




Số lượng truy cập