Thứ Tư, ngày 17-04-2024 Trang chủ| Liên hệ| Góp ý| Sơ đồ   [Đăng nhập]
Tìm kiếm
ĐƯỜNG DÂY NÓNG

 

Hồ sơ công việc
 
 
 
Tin hoạt động Ngành
Những kỷ niệm khó quên
[ Cập nhật vào ngày (02/03/2015) ] - [ Số lần xem: 817 ]

NHUNG KY NIEM KHO QUEN_BT_1974.jpg

Ảnh tư liệu

Tôi rời ghế nhà trường năm 1952. Tốt nghiệp cấp II trường Tiểu học huyện Trần Văn Thời. Trường tôi mang tên Trần Văn Ơn, cô giáo là chị Chín Y hiện đang sống ở thành phố Cần Thơ.

Nghề tôi chọn lúc đó là nghề giáo viên. Ban Giáo dục xã Phú Hưng phân công tôi về ấp Rạch Muỗi và cấp nhà cho tôi. Tôi dạy cấp I được gần một năm, xã rút tôi lên xã làm thư ký phụ nữ. Một hôm, tôi về thăm nhà, ba tôi bảo:

- Con học làm mụ như bà mợ Hai. Làm mụ vườn để làm phước cho chị em lúc sinh nở.

- Làm mụ bạn bè cười cho. Tôi mặc dù không thích nhưng cũng nghe theo ba tôi.

Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954 tạm thời chia hai miền Nam, Bắc, sau thời gian hai năm sẽ tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Ở miền Nam thời điểm này Đảng hoạt động bí mật, chỉ có ngành giáo dục, y tế hoạt động hợp pháp công khai. Phụ nữ xã Phú Hưng chọn ba chị đi học lớp cô đỡ khóa Hòa bình gồm: chị Phạm Kim Nhãn (Năm Nga), chị Nguyễn Thị Bảy và tôi. Điểm học tại chợ Rau Dừa, xã Phú Hưng do Bác sĩ Nguyễn Văn Thân và nữ hộ sinh Trần Thị Bảy giảng dạy.

Thế là tôi vào ngành Y. Học xong chương trình cô đỡ, tôi và chị Năm Nga được phân công về nhà bảo sanh tại Vàm Cái Rắn. Trạm Y tế và nhà bảo sanh bảy căn liền nhau: căn giữa để tiếp bệnh nhân, thăm thai. Trạm Y tế có anh Ba Thái, anh Hai Miên, anh Bảy Cần; hai người tập sự là anh Ngãi, anh Thuận. Nhà bảo sanh do nữ hộ sinh Đặng Kim Sa phụ trách có bốn cô đỡ: Chị Năm Nga, chị Bảy Nhiên, chị Sáu Nguyệt và tôi. Một tập sự là chị Tám Kiêm.

Cuộc sống của cán bộ trạm – nhà bảo sanh do nhân dân nuôi dưỡng chở che, đùm bọc. Trạm có miệng chài, anh em tự lực câu cá, giăng lưới. Lúc bệnh nhân, sản phụ đông chúng tôi thường ăn tương kho dừa khô thay thịt heo. Thời gian đầu, năm 1955-1956, trạm hoạt động rất sung túc, bệnh nhân và sản phụ lúc nào cũng đầy ắp sáu giường bệnh, sáu giường sanh. Nhân dân xung quanh trạm đa số hộ nghèo, thiếu thầy, trẻ em dốt chữ. Mặc dù bộn bề công tác chuyên môn nhưng anh chị em phụ trách trạm còn tổ chức lớp học tình thương cho các cháu hộ dân và em cháu của cán bộ. Tập thể phân công tôi dạy chữ, chị Năm Nga chăm sóc các cháu. Tiếng học “i, tờ” lẫn tiếng khóc “tu oa” của trẻ sơ sinh là niềm vui của chúng tôi khi xa quê, xa nhà.

Năm 1956, chính quyền miền Nam bắt đầu xiết chặt, kềm kẹp đòi trực tiếp gặp lãnh đạo ngành Y. Hội đồng Hương chính xã, chủ tịch là Du Chấn Hưng, mời đại diện trạm Y tế, nhà bảo sanh. Tôi và anh bảy Cần (cứu thương) được tập thể phân công ra xã để lãnh lệnh của chính quyền Diệm. Chúng ra lệnh trạm Y tế - nhà bảo sanh phải dời ra xã để tiện việc quản lý cán bộ, ở vùng sâu sẽ bị Việt cộng mua chuộc!

Thế là địch bắt đầu làm khó. Chúng cấm đoán nhà bảo sanh – trạm Y tế hoạt động, chúng cho là việt cộng hợp pháp. Về phía ta, chúng tôi cố gắng duy trì trạm Y tế - nhà bảo sanh và có kế hoạch bảo vệ cán bộ, phân tán ở ngoài dân, chừa từ hai đến ba cán bộ giữ trạm, chỉ giữ bệnh nặng tại trạm và ca sanh khó. Ban đêm tổ chức canh gác đề phòng giặc bắt cóc cán bộ.

w_img007.jpg

Tình hình ngày càng khó khăn, nếu tập trung cán bộ dễ bị lộ, bị giặt bắt. Lúc này, anh Sáu The, bí thư Xã ủy, phân công tôi xuống nhà bảo sanh ấp Phong Lưu, thuộc xã Tân Hưng. Phong Lưu xa đồn bót, địa hình tốt để duy trì nhà hộ sinh một thời gian. Nhà bảo sanh do chị Trần Thị Minh (Út Tính) phụ trách. Tôi, cô đỡ và ba phụ sanh là chị Ba Dưỡng, chị Út Trung, chị Bảy Dẹt, anh Ba Thanh là cứu thương.

Khoảng đầu năm 1957, địch càng ngày càng ác ôn, bằng mọi cách chúng muốn xóa cho hết cơ sở y tế ta. Thế là cuộc đấu tranh của cán bộ y tế do Đảng lãnh đạo ngày càng ác liệt để bảo vệ cơ sở, bảo vệ cán bộ. Thời điểm này chưa có ngành dọc y tế cấp trên phụ trách.

SỨC MẠNH CỦA QUẦN CHÚNG

Cho đến bây giờ, tôi không bao giờ quên cuộc đấu tranh lịch sử này. Lúc đó, anh Hai Đậu làm bí thư Xã ủy (đồng chí hi sinh trong Luật 10 – 59) chỉ đạo tổ chức đấu tranh hợp pháp để duy trì nhà bảo sanh. Ngay sau Tết, khoảng tháng 2 âm lịch năm 1957, Hội đồng hương chính xã Tân Hưng, do giáo Cử làm chủ tịch, cho người đem thư vô nhà bảo sanh hẹn một tuần sẽ dỡ nhà bảo sanh đưa ra gần đồn Vàm Xáng “bót Chà Là” (chủ tịch Cử là người mình đưa ra, sau này tôi mới biết). Xã ủy chỉ đạo cán bộ vẫn ở trạm xem thái độ của địch ra sao, một mặt chuẩn bị cách đối phó bằng đội ngũ sản phụ và bệnh nhân, đấu tranh hợp pháp để duy trì nhà bảo sanh một thời gian nữa.

Suốt thời gian quy định dỡ nhà bảo sanh, lúc nào cũng có thai phụ và sản phụ, bệnh nhân nữ. Người bố trí lực lượng là dì Sáu Chánh, phụ nữ xã, anh Tư Cao, bí thư chi bộ ấp Phong Lưu (điểm nhà bảo sanh) trong nhà bảo sanh là tôi. Thời gian căng thẳng nhưng mà sao tôi cứ trông đến ngày đó. Ngày thứ bảy, thứ tám rồi thứ chín, cơ sở nội tuyến đồn “Chà Là’ báo cho Xã ủy biết ngày thứ mười lính vô đóng cửa nhà bảo sanh và ép cán bộ trạm ra xã làm việc. Xã ủy chỉ đạo cuộc đấu tranh tránh đổ máu, cố giữ cho được cán bộ. Dì Sáu Chánh ở nhà dân, cách trạm chừng hai trăm mét, dì còn hợp pháp. Chị em có mặt ở trạm không sao ngủ được, chuẩn bị cất giấu dụng cụ chuyên môn, quần áo, mùng mền của sản phụ. Chị em ước lượng có thể bị bắt. Dì Sáu Chánh bảo mỗi cháu phải mặc hai bộ quần áo phòng lúc đấu tranh trì kéo khỏi bị... Không lúc nào chúng tôi thương nhau như lúc này, cùng động viên, nhắc nhở, dặn dò khi bị giặt bắt phải giữ cho được khí tiết.

Khoảng 6 giờ sáng nghe mõ báo động. Lần này chắc chắn lính sẽ đến đây. Dì Sáu Chánh cho biết:

- Có chuẩn bị ba bốn thai phụ ở sát nhà bảo sanh. Khi giặc đến, các mẹ đưa các chị bầu to đến tăng cường lực lượng đấu tranh.

Chúng tôi chờ đợi, hồi hộp nhưng lạ thay, khi đối mặt với giặc sao thấy hết sợ. Bọn lính chừng một tiểu đội. Lúc này thai phụ, bệnh nhân lai rai chở tới. Chị thì kêu đau bụng, chị kia mắc rặn, trong trạm đánh động trẻ con khóc lên. Bệnh nhân, các mẹ, sản phụ, cô đỡ...tay không trong vòng vây bọn lính súng lăm lăm trong tay tưởng chừng như khó thoát. Cuộc đấu tranh bắt đầu.

Trong đám lính, có ba tên tỏ ra ác ôn, lăm lăm súng trong tay, nói to:

- Ai là người lãnh đạo ra sân nói chuyện!

Bốn bà mẹ không ai bước ra sân theo lệnh của chúng. Ba tên xông vào nhà bảo sanh. Lúc này sản phụ người thì “rặn”, chị thì kêu đau. Trên bàn sanh, thai phụ với tư thế sắp sanh, chúng tôi lúi húi, người thì đỡ lưng sản phụ, người chuẩn bị đỡ đẻ. Các mẹ, các chị nói to:

- Con tôi sắp sanh, các cậu, các cháu cũng phải nể chỗ kín đáo của đàn bà chứ!

Chúng chưa chịu thôi, hai tên lính túm lấy tay tôi và chị Ba Dưỡng lôi ra sân. Các mẹ, các chị bụng bầu to xúm lại giành giật, lôi kéo chúng tôi lại phân trần, nào là: “Đàn ông đi biển có đôi, đàn bà đi biển mồ côi một mình”, nào là “Con tôi lần nào sanh cũng khó, mấy cậu bắt bà mụ đi, tội cho mẹ con tôi, lấy ai cứu giúp lúc sanh nở”. Các mẹ vừa khóc vừa ôm chúng tôi trong tay, thái dộ đấu tranh cương quyết, lời lẽ ôn hòa, buộc địch chùn bước, bớt ác ôn.

Cuộc đấu tranh diễn ra chừng 15 phút, địch không dám ở lâu vì vùng đất này ở xa đồn bót, địa thế hiểm trở. Địch bắn hai phát súng chỉ thiên rồi hăm dọa sẽ đốt nhà bảo sanh, bắt các “con mụ Việt cộng” về đồn cho biết.

Bọn lính rút về đồn. Cuộc đấu tranh này ta giữ được nhà bảo sanh, bảo vệ an toàn cán bộ. Thế là sức mạnh của quần chúng đã chiến thắng, mọi người vui mừng phấn khởi cười ra nước mắt.

Năm 1958, chính quyền miền Nam do Ngô Đình Diệm cầm đầu, tình hình này ngày càng ác liệt. Biết địch sẽ dùng sức mạnh xóa cho sạch cơ sở y tế của ta, cán bộ không còn giữ được thế hợp pháp. Cấp ủy xã chỉ đạo phân tán cán bộ xuống dân, mỗi cô đỡ ở một ấp, thăm hai, đỡ đẻ tại nhà, quản lý sản phụ theo danh sách. Chị nào gần nhà sanh thì đến ở tại nhà để đỡ sanh, khi sản phụ cứng cáp thì đi ở chỗ khác. Dì Sáu Chánh, phụ nữ xã, đề nghị tôi kết hợp với phụ nữ xã mở lớp phụ sinh và cán sự phụ nữ cho các ấp.

Từ đó, tôi vừa là cô đỡ vừa là cán bộ phụ nữ. Trong nghề, tôi có những kỷ niệm khó quên.

Bác sĩ Chín Thọ




Đường dây nóng




Số lượng truy cập