Thứ Ba, ngày 23-04-2024 Trang chủ| Liên hệ| Góp ý| Sơ đồ   [Đăng nhập]
Tìm kiếm
ĐƯỜNG DÂY NÓNG

 

Hồ sơ công việc
 
 
 
Tin hoạt động Ngành
Hướng đến mục tiêu “ba không” về HIV/AIDS vào năm 2015: Nỗ lực giảm thiểu số ca nhiễm HIV mới
[ Cập nhật vào ngày (02/03/2015) ] - [ Số lần xem: 1382 ]

Đến nay, sau hơn một năm thực hiện Kế hoạch thành phố hướng tới mục tiêu “ba không” về HIV/AIDS, TP Cần Thơ đã đạt được một số kết quả khả quan. Để đạt được các mục tiêu đề ra theo đúng lộ trình kế hoạch, TP Cần Thơ nói chung và ngành Y tế nói riêng đã và đang triển khai những chiến lược mang tính thiết thực, vững chắc cho từng giai đoạn. Theo đó, năm 2015, ngành Y tế tiếp tục tập trung cho hoạt động giảm thiểu số ca nhiễm HIV mới, giảm kỳ thị phân biệt đối xử... Xoay quanh vấn đề này, BS CKI Nguyễn Danh Lam, Phó Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS TP Cần Thơ, cho biết:

w_IMG_8111.jpg

BS Nguyễn Danh Lam. Ảnh: L.A

Năm 2014, thành phố phát hiện mới 273 trường hợp nhiễm HIV, 123 bệnh nhân AIDS và 61 trường hợp tử vong do AIDS. So với năm 2013, số phát hiện mới giảm 19,9% (68 trường hợp), bệnh nhân AIDS tăng 4,2%, tỷ lệ tử vong giảm 4,6%. Với kết quả này, Cần Thơ tiếp tục là một trong 10 tỉnh, thành phố có số nhiễm HIV phát hiện mới giảm trong nhiều năm liền. Theo đánh giá của Cục Phòng, chống HIV/AIDS, từ năm 2014, TP Cần Thơ nằm trong nhóm có mức dịch HIV/AIDS trung bình so với mức dịch rất cao trước đây. Lũy tích đến 31/12/2014, thành phố có 5.458 trường hợp nhiễm HIV/AIDS, trong số đó, có 2.037 ca tử vong, 2.319 trường hợp còn sống quản lý được, 144 trường hợp còn sống chưa quản lý được và 958 trường hợp không xác định, tiếp tục giám sát. Hầu hết người nhiễm HIV nằm trong nhóm tuổi từ 20 đến 39 tuổi (79,9%). Tỷ lệ lây nhiễm HIV qua đường tình dục chiếm 62,8%, lây nhiễm qua đường máu chiếm 22,7%. Xu hướng lây truyền HIV chính tại thành phố là qua đường tình dục. 

 

* Đến nay, việc thực hiện Kế hoạch thành phố hướng tới mục tiêu “ba không” về HIV/AIDS của Cần Thơ đã đạt được kết quả như thế nào so với chỉ tiêu kế hoạch, thưa bác sĩ?

Những kết quả đã đạt được về mục tiêu “ba không” được cụ thể bằng số ca nhiễm phát hiện mới HIV được khống chế và giảm dần; số phụ nữ mang thai được điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con để có số trẻ sinh ra không bị nhiễm HIV từ mẹ, số người nhiễm HIV/AIDS được tiếp cận điều trị ARV, 100% trẻ có H đang quản lý được đến trường,... Các kết quả cụ thể như sau:     

w_MG_2352.jpg

Cán bộ Trạm Y tế phường Xuân Khánh tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện cho phụ nữ mang thai. Ảnh: L.A

Tỷ lệ nhiễm HIV của trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV có tham gia chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con từ 6,7% năm 2009 giảm còn 3% vào năm 2011. Năm 2012 đến nay, thành phố chỉ ghi nhận 01 trẻ nhiễm HIV. Hiệu quả của chương trình này giúp góp phần làm giảm đáng kể số trẻ em tử vong hàng năm do AIDS, từ 3 trẻ năm 2009 xuống còn 2 trẻ năm 2011 và từ năm 2013 đến nay không có trẻ dưới 5 tuổi tử vong do AIDS. Số ca nhiễm HIV do quan hệ tình dục giảm dần qua các năm. Năm 2010, có 271 trường hợp đến năm 2013, con số này giảm còn 236 và 8 tháng đầu năm 2014, có 113 trường hợp.

Hoạt động điều trị Methadone đang triển khai tại thành phố cũng đang góp phần tích cực trong việc giảm tỷ lệ người nhiễm HIV trong nhóm nghiệm tiêm chích ma túy. Hiện thành phố có 4 cơ sở điều trị Methadone, đang duy trì điều trị cho 545 bệnh nhân. Tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nghiện chích ma túy ghi nhận năm 2012 là 32,7% đến năm 2013 giảm còn 23,5%.

Về mục tiêu chấm dứt kỳ thị phân biệt đối xử, ngành Y tế phối hợp với các ban ngành, đoàn thể nỗ lực thực hiện nhiều hoạt động tiếp cận, chăm sóc người nhiễm, tăng cường tuyên truyền trong cộng đồng. Ngoài ra, ngành còn đang triển khai chương trình điều trị 2.0 để người nhiễm HIV nhận dịch vụ chăm sóc và điều trị ngay tại xã, phường. Đến nay, chúng tôi chưa ghi nhận trường hợp phân biệt đối xử liên quan HIV/AIDS khi họ về xã, phường điều trị. Riêng đối với trẻ em nhiễm HIV/AIDS thì được điều trị, chăm sóc sức khỏe tại địa phương và bệnh viện chuyên khoa nhi của thành phố. Nếu như năm 2013, thành phố có 43/46 trẻ có H được đến trường thì năm nay có 54/54 trẻ có H được đi học.

* Theo thông tin bác sĩ đã nêu thì hiện nay, xu hướng lây truyền HIV chính tại thành phố là qua đường tình dục, vậy bác sĩ có thể cho biết để đạt mục tiêu “ba không” nhất là không còn người nhiễm mới thì năm 2015 ngành Y tế có chiến lược gì?

Tại TP Cần Thơ, xu hướng lây truyền HIV chính là qua đường tình dục. Điều đáng lo là thời gian gần đây sự lây truyền HIV qua quan hệ tình dục ở nhóm MSM (quan hệ đồng tính nam) đang có xu hướng tăng. Đây là vấn đề khó khăn mà chúng tôi đang tìm giải pháp khống chế. Bên cạnh đó, tỷ lệ người nghiện ma túy có sử dụng ma túy tổng hợp đang tăng cũng ảnh hưởng nhiều việc điều trị ARV, điều trị Methadone. Ngoài ra, thành phố cũng ghi nhận nhiều phụ nữ khi đi làm ăn ở các địa phương khác bị nhiễm HIV và mang thai về địa phương sinh con mà không được điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con cũng ảnh hưởng đến việc giảm tỷ lệ người nhiễm HIV mới.

Chúng tôi phân tích một số khó khăn để thấy rằng việc thực hiện mục tiêu “ba không” về HIV/AIDS là vấn đề không đơn giản. Vì vậy, năm 2015, để hướng tới mục tiêu “ba không” và duy trì kết quả đã đạt được, công tác phòng chống HIV/AIDS của thành phố đòi hỏi phải có sự cố gắng nỗ lực của các cấp, các ngành và toàn xã hội. Trong đó, mỗi người dân cần tự nâng cao nhận thức của mình về phòng, chống HIV/AIDS, tránh kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và đối tượng có nguy cơ cao.

Theo chiến lược chung của thành phố, cũng là chỉ đạo của lãnh đạo UBND thành phố tại Hội nghị triển khai thực hiện kế hoạch “thành phố hương tới mục tiêu ba không về HIV/AIDS” (được tổ chức năm 2013 – PV), ngành xác định mục tiêu “ba không” là nhiệm vụ hết sức quan trọng, không chỉ là trách nhiệm đối với người dân thành phố mà còn là trách nhiệm đối với quốc gia. Theo chỉ đạo đó, ngành Y tế đề ra kế hoạch đi từng bước một, trong đó, xác định năm 2014 là ưu tiên thực hiện mục tiêu thứ 3, hướng đến chấm dứt kỳ thị, phân biệt đối xử. Tiếp theo, năm 2015, bên cạnh nỗ lực thực hiện mục tiêu thứ 3, ngành tiếp tục tập trung các hoạt động giảm tỷ lệ nhiễm HIV mới trong cộng đồng.

* Bác sĩ có thể nói rõ hơn về các hoạt động cụ thể để giảm tỷ lệ nhiễm HIV mới trong cộng đồng?

Ngành tiếp tục phát huy hiệu quả đã đạt được ở ba mục tiêu: Không còn người nhiễm mới HIV; Không còn người tử vong do AIDS; Không còn kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS. Cụ thể là sẽ nỗ lực nhiều hơn nữa trong việc cung cấp các dịch vụ từ truyền thông nâng cao nhận thức về HIV/AIDS trong cộng đồng đến đẩy mạnh công tác dự phòng; chăm sóc hỗ trợ và điều trị HIV/AIDS; mở rộng độ bao phủ và nâng cao chất lượng các dịch vụ y tế liên quan đến HIV/AIDS.

Để giảm số ca nhiễm mới do quan hệ tình dục, ngoài việc tuyên truyền vận động mọi người cần thực hiện hành vi an toàn tình dục, chúng tôi tiếp tục tăng cường hoạt động tiếp thị xã hội bao cao su, vận động cơ sở dịch vụ cung cấp bao cao su cho khách hàng tại phòng nghỉ, tại quầy lễ tân cho mọi người có nhu cầu.

Có thể nói phòng chống HIV/AIDS là nhiệm vụ chung của toàn xã hội. Do đó, chúng tôi với vai trò chủ động sẽ tăng cường phối hợp với các ban ngành, đoàn thể để huy động sự vào cuộc và tăng cường trách nhiệm của cả cộng đồng trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. Trong đó, chúng tôi đặc biệt chú trọng phối hợp chặt chẽ giữa ngành Công an, Lao động - Thương binh và Xã hội để vận động các trường hợp tiêm chích ma tuý đến tham gia điều trị Methadone, khắc phục tình trạng bệnh nhân bỏ trị. Các cơ sở Methadone sẽ tăng cường chất lượng tư vấn tuân thủ điều trị cho bệnh nhân,...

* Xin cảm ơn bác sĩ!

Lê Anh (thực hiện)




Đường dây nóng




Số lượng truy cập