Thứ Năm, ngày 28-03-2024 Trang chủ| Liên hệ| Góp ý| Sơ đồ   [Đăng nhập]
Tìm kiếm
ĐƯỜNG DÂY NÓNG

 

Hồ sơ công việc
 
 
 
Tin hoạt động Ngành
Chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành viên, thanh niên vì tương lai giống nòi
[ Cập nhật vào ngày (19/02/2019) ] - [ Số lần xem: 1332 ]
Quan tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản cho đối tượng vị thành niên, thanh niên có ý nghĩa rất quan trọng
Quan tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản cho đối tượng vị thành niên, thanh niên có ý nghĩa rất quan trọng

Vị thành niên, thanh niên Việt Nam (nhóm dân số từ 10-24 tuổi) chiếm trên 22% dân số, là lực lượng xã hội hùng hậu, có tiềm năng to lớn, xung kích trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên là một trong những yếu tố quan trọng có ý nghĩa quyết định đến chất lượng dân số, chất lượng nguồn nhân lực và tương lai của giống nòi.

Vấn đề sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên đã được Bộ Y tế xác định là một nội dung ưu tiên trong Chiến lược Dân số - Sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011-2020. Bộ Y tế cũng đã ban hành Quyết định số 906/QĐ-BYT ngày 15/3/2017 phê duyệt Đề án Tăng cường tư vấn và cung cấp dịch vụ Dân số - Kế hoạch hóa gia đình cho vị thành niên, thanh niên giai đoạn 2016-2020 với nhiều hoạt động, chương trình, mô hình cụ thể giúp nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản cho vị thành niên, thanh niên. 

Tuy nhiên, trên thực tế, dù đã có nhiều nỗ lực trong công tác tuyên truyền giáo dục, song việc chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên còn gặp nhiều khó khăn. Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cho biết: Theo điều tra quốc gia trên 9.768 thanh thiếu niên trong độ tuổi 10-24 ở 8 tỉnh và thành phố của Việt Nam cho thấy, thanh thiếu niên vẫn thiếu kiến thức và thực hành về chăm sóc sức khỏe sinh sản; có 7,8% thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 15-18 đã quan hệ tình dục trước 15 tuổi và chỉ có 54% thanh thiếu niên có sử dụng biện pháp tránh thai trong lần quan hệ tình dục đầu tiên, tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh thai không liên tục là 40,5%, trong đó 10,4% là do thất bại của biện pháp tránh thai. Nhu cầu chưa được đáp ứng về biện pháp tránh thai hiện đại của nữ độ tuổi 15-24 tuổi là 29,6%. Kết quả điều tra cũng chỉ ra là rất ít vị thành niên tham vấn với cha mẹ và thầy cô giáo trong tìm hiểu thông tin và dịch vụ về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục. Trong khi đó, theo số liệu báo cáo chính thức của Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế), tình trạng phá thai ở Việt Nam đang ở mức rất cao với 250.000 - 300.000 ca mỗi năm. Đây là những thách thức rất lớn đối với công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản cho vị thành niên, thanh niên ở nước ta hiện nay.

Chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên không chỉ là việc hướng dẫn các biện pháp tránh thai hay sinh hoạt tình dục an toàn, công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản tiền hôn nhân mà còn giúp các em có sự chuẩn bị tâm, sinh lý để xây dựng một gia đình hạnh phúc cả về thể chất lẫn tinh thần, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của con người trong xã hội. Điều này cần được toàn xã hội, mọi người dân nhận thức và góp phần thực hiện.

BS.CKI Nguyễn Thị Ngọc Đảnh, Chi cục Trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), cho biết: Tại TP Cần Thơ, những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền rất quan tâm đến công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên trên địa bàn. Chi cục DS-KHHGĐ đã tập trung tuyên truyền các nội dung về sức khỏe sinh sản cho vị thành niên, thanh niên, tư vấn, khám sức khỏe trước hôn nhân tại cộng đồng; Tầm soát, chẩn đoán và điều trị sớm bệnh tật trước sinh và sơ sinh cho các cặp vợ chồng trẻ, các gia đình trẻ; phối hợp với Sở Giáo dục - Đào tạo tổ chức thực hiện mô hình sinh hoạt ngoại khóa phổ biến kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, rèn luyện kỹ năng sống tích cực tại các trường trung học phổ thông, giúp các học sinh hiểu rõ hơn về vấn đề liên quan đến sức khỏe sinh sản, những thay đổi tâm sinh lý trong lứa tuổi học sinh. Việc tuyên truyền, giáo dục diễn ra dưới nhiều hình thức như xây dựng các mô hình, câu lạc bộ về sức khỏe sinh sản. Ngành dân số cũng tích cực phối hợp với các ban ngành, đoàn thể ở địa phương lồng ghép truyền thông về dân số với các nội dung chủ đề về Tháng hành động quốc gia về dân số, ngày Dân số Việt Nam 26/12... Triển khai các loại hình dịch vụ chăm sóc SKSS, KHHGĐ; tăng cường cung cấp dịch vụ tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân, tầm soát, chẩn đoán sớm bệnh tật bẩm sinh, sàng lọc trước sinh, sơ sinh góp phần nâng cao chất lượng dân số (ưu tiên các nhóm đối tượng là vị thành niên/thanh niên, nam nữ thanh niên chuẩn bị kết hôn, phụ nữ mang thai), bổ sung tài liệu tuyên truyền.

Ngành chỉ đạo cấp quận/huyện, xã/phường/thị trấn truyền thông trực tiếp tại cộng đồng; nói chuyện chuyên đề cho các nhóm đối tượng: phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ mang thai, thanh niên và vị thành niên, nam giới, người cao tuổi, người có uy tín trong cộng đồng; tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh xã, phường, thị trấn; băng rôn, khẩu hiệu…

Trẻ vị thành niên, thanh niên đóng vai trò quan trọng trong việc kế thừa lực lượng lao động trẻ và quyết định chất lượng dân số của nước ta trong tương lai. Vì vậy, đầu tư phát triển giáo dục, y tế và việc làm cho nguồn lực trẻ nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có vai trò cốt yếu trong giai đoạn hiện nay.

Bài, ảnh: Đỗ Quyên




Đường dây nóng




Số lượng truy cập