Thứ Sáu, ngày 19-04-2024 Trang chủ| Liên hệ| Góp ý| Sơ đồ   [Đăng nhập]
Tìm kiếm
ĐƯỜNG DÂY NÓNG

 

Hồ sơ công việc
 
 
 
Tin hoạt động Ngành
TP Cần Thơ: Tăng cường công tác sàng lọc trước sinh và sơ sinh
[ Cập nhật vào ngày (14/12/2018) ] - [ Số lần xem: 1033 ]
Ông Mai Xuân Phương, Vụ Phó Vụ Truyền thông, Tổng cục DS-KHHGĐ (thứ hai từ trái qua) cùng đoàn báo chí Trung ương làm việc tại Bệnh viện Phụ sản vào ngày 7/11/2018 về kết quả hoạt động tầm soát, chẩn đoán, điều trị bệnh tật trước sinh và sơ sinh
Ông Mai Xuân Phương, Vụ Phó Vụ Truyền thông, Tổng cục DS-KHHGĐ (thứ hai từ trái qua) cùng đoàn báo chí Trung ương làm việc tại Bệnh viện Phụ sản vào ngày 7/11/2018 về kết quả hoạt động tầm soát, chẩn đoán, điều trị bệnh tật trước sinh và sơ sinh

Trong những năm qua, công tác DS-KHHGĐ trên địa bàn thành phố Cần Thơ đã đạt được những kết quả nổi bật. Thành phố đã triển khai hiệu quả các mô hình, đề án nâng cao chất lượng dân số như: giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh; chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dựa vào cộng đồng; chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên… Đặc biệt, với lợi thế Trung tâm Sàng lọc - chẩn đoán trước sinh và sơ sinh (SLCĐTS&SS) đặt tại Bệnh viện Phụ sản TP Cần Thơ đã giúp tăng cường triển khai hiệu quả công tác SLCĐTS&SS, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận dịch vụ dễ dàng.

Theo số liệu nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và trong nước, tỷ lệ dị tật bẩm sinh ở Việt Nam chiếm khoảng 1,5% - 2% số trẻ sinh ra hàng năm. Nếu tính theo tỷ lệ này, ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) ước tính mỗi năm có khoảng từ 7.000 - 8.000 trẻ sinh ra đời bị dị tật bẩm sinh. SLCĐTS&SS giúp chủ động phát hiện, can thiệp và điều trị sớm các bệnh tật, rối loạn chuyển hóa, di truyền ngay trong giai đoạn bào thai và sơ sinh giúp cho trẻ sinh ra phát triển bình thường hoặc tránh được những hậu quả nặng nề về thể chất và trí tuệ.

sang-loc-ss-1.jpg

Kỹ thuật viên khoa Xét nghiệm di truyền học, Bệnh viện Phụ sản TP Cần Thơ thao tác thực hiện kỹ thuật xét nghiệm SLTS-SS với hệ thống máy SLTS-SS hiện đại và duy nhất trong khu vực ĐBSCL.

BS.CKII Nguyễn Hữu Dự, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản TP Cần Thơ cho biết: “Năm 2013, Tổng cục DS-KHHGĐ đã chọn TP Cần Thơ là nơi để thành lập Trung tâm SLCĐTS&SS, đặt tại Bệnh viện Phụ sản, triển khai thực hiện Đề án SLCĐTS&SS cho 12 tỉnh ĐBSCL. Điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng, một giải pháp đầy tính nhân văn, giúp trẻ sinh ra an toàn và mạnh khỏe, giảm tỷ lệ dị tật bẩm sinh, góp phần nâng cao chất lượng dân số”.

Từ khi triển khai đề án, ngoài việc thực hiện sàng lọc miễn phí theo chỉ tiêu Tổng cục DS-KHHGĐ giao hàng năm, Trung tâm SLCĐTS&SS thành phố Cần Thơ còn đẩy mạnh xã hội hóa công tác SLCĐTS&SS để ngày càng đáp ứng đầy đủ hơn nhu cầu cho người dân trong khu vực. Hiện Trung tâm đã ký kết hợp đồng sàng lọc xã hội hóa với 47 đơn vị, bệnh viện gửi mẫu thuộc 8 tỉnh: Cần Thơ, Hậu Giang, Bến Tre, Sóc Trăng, Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long, Bạc Liêu. Để làm tốt công tác này, thời gian qua, Bệnh viện Phụ sản đã tích cực phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí, truyền hình Trung ương và địa phương để tăng cường truyền thông về các lĩnh vực sàng lọc trước sinh, sơ sinh; đa dạng hóa các phương thức truyền thông - tư vấn qua điện thoại, website, mạng xã hội facebook, tư vấn trực tiếp… ; tổ chức các buổi tọa đàm trên Đài phát thanh - truyền hình thành phố Cần Thơ nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng, hiệu quả của SLCĐTS&SS.

sang loc ss 2.JPG

Lấy máu gót chân sàng lọc sơ sinh cho trẻ

Qua 5 năm thực hiện, thống kê của Bệnh viện Phụ sản TP Cần Thơ cho thấy số lượng SLCĐTS&SS ngày càng tăng cao. Giai đoạn 2010-2013, tỷ lệ sàng lọc trước  sinh và sơ sinh chưa đạt 25% trên tổng số khám. Tuy nhiên, đến giai đoạn 2014-2017, tỷ lệ tăng vượt trội trên 65%; tỷ lệ sàng lọc trước sinh 1 ngày đã đạt đến 66% trên tổng số khám; tỷ lệ sàng lọc sơ sinh chiếm 79% tổng số trẻ sinh ra.

Theo BS.CKII Lương Kim Phượng, Giám đốc Trung tâm SLCĐTS&SS, Bệnh viện Phụ sản TP Cần Thơ, từ năm 2013 đến năm 2017, Trung tâm đã tư vấn sàng lọc thực hiện tại bệnh viện cho tổng cộng 46.336 thai phụ, trong đó tổng số sàng lọc trước sinh là 27.058 ca, đạt 233,2% so với chỉ tiêu của Tổng cục DS-KHHGĐ giao. Riêng 9 tháng đầu năm 2018, đã có 22.248 thai phụ đến khám thai tại Trung tâm, tỷ lệ sàng lọc trước sinh tại bệnh viện là 67%, đạt 267% so với chỉ tiêu Tổng cục giao; trong số hơn 10.000 thai phụ được tư vấn thực hiện sàng lọc năm nay, phát hiện 415 trường hợp nguy cơ cao, 333 trường hợp chỉ định chọc ối và chấm dứt thai kỳ 73 trường hợp. Về chương trình sàng lọc sơ sinh 12 tỉnh ĐBSCL, tổng thực hiện 9 tháng năm 2018 có gần 56.000 trẻ được tầm soát các bệnh lý bẩm sinh thường gặp, phát hiện gần 800 trường hợp nguy cơ cao, chẩn đoán bệnh được gần 300 trường hợp.

Ngoài thực hiện SLCĐTS&SS cho cho tất cả thai phụ và sơ sinh tại khu vực ĐBSCL, hỗ trợ mạng lưới sàng lọc của 12 tỉnh trong khu vực (trừ tỉnh Long An); Trung tâm SLCĐTS&SS thành phố Cần Thơ còn giữ vai trò chủ yếu trong chỉ đạo về chuyên môn kỹ thuật, vận hành hệ thống thu thập mẫu máu, xét nghiệm, chẩn đoán các bệnh thuộc chương trình SLCĐTS&SS; phát triển và huấn luyện về các kỹ thuật C cho cán bộ y tế tuyến dưới; quản lý chất lượng SLCĐTS&SS của tuyến dưới.  

Trong buổi làm việc tại Bệnh viện Phụ sản TP Cần Thơ nhằm kiểm tra kết quả hoạt động tầm soát, chẩn đoán, điều trị bệnh tật trước sinh và sơ sinh trên địa bàn TP Cần Thơ vào tháng 11 vừa qua, ông Mai Xuân Phương, Vụ Phó Vụ Truyền thông, Tổng cục DS-KHHGĐ đánh giá cao hoạt động của Bệnh viện Phụ sản TP Cần Thơ và Trung tâm SLCĐTS&SS, đã có nhiều nỗ lực trong công tác truyền thông và thực hiện xã hội hóa chương trình tầm soát các bệnh, tật bẩm sinh. Ông Mai Xuân Phương đề nghị ngành Y tế thành phố tiếp tục tích cực vận động, tuyên truyền để người dân, nhất là các thai phụ hiểu rõ được tầm quan trọng và lợi ích của việc tầm soát, SLCĐTS&SS, tránh được những dị tật cho thai nhi và trẻ sơ sinh, từ đó không ngừng nâng cao chất lượng dân số cho người dân.

Hương Giang




Đường dây nóng




Số lượng truy cập