Thứ Tư, ngày 24-04-2024 Trang chủ| Liên hệ| Góp ý| Sơ đồ   [Đăng nhập]
Tìm kiếm
ĐƯỜNG DÂY NÓNG

 

Hồ sơ công việc
 
 
 
Tin hoạt động Ngành
Phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con: Cần sự quan tâm của gia đình và cộng đồng
[ Cập nhật vào ngày (18/12/2014) ] - [ Số lần xem: 1066 ]

Ở nước ta, mỗi năm có khoảng 1.500 - 3.000 trẻ em sinh ra bị nhiễm HIV từ mẹ. Tuy nhiên, nếu những phụ nữ mang thai (PNMT) nhiễm HIV được tư vấn, chăm sóc và điều trị dự phòng kịp thời thì tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con giảm xuống rất thấp, dưới 5%. Điều đó cũng có nghĩa là hàng nghìn trẻ có nguy cơ sẽ phòng tránh được căn bệnh AIDS. Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con là một chương trình nhân văn, ý nghĩa rất cần sự quan tâm, tham gia vào cuộc của các cấp, các ngành, gia đình và toàn xã hội.

* Nhiều can thiệp sớm

Những năm qua, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS TP Cần Thơ đã và đang triển khai nhiều hoạt động tích cực nhằm ngăn chặn sự lây truyền HIV từ mẹ sang con. Các can thiệp dự phòng được cung cấp bao gồm: tư vấn, xét nghiệm HIV cho PNMT tại 100% xã/phường; cấp thuốc điều trị dự phòng lây truyền mẹ con cho PNMT nhiễm HIV và trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV; tư vấn nuôi dưỡng trẻ sau sinh, cung cấp sữa ăn thay thế… Năm 2013, toàn thành phố có hơn 25.000 PNMT được tư vấn xét nghiệm HIV, trong đó, số PNMT có kết quả dương tính là 49 người; số trẻ được điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con là 59 trẻ; xét nghiệm HIV cho 55 trẻ, chỉ phát hiện một trẻ có kết quả dương tính HIV.

w_bai hiv me con_0566 - HIV.jpg
Tư vấn xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai được thực hiện miễn phí ở tất cả các trạm y tế ở TP Cần Thơ.

Từ đầu năm 2014, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS TP Cần Thơ cũng triển khai cho các quận/huyện thực hiện chương trình điều trị ARV bằng phác đồ 3 thuốc cho PNMT nhiễm HIV không phụ thuộc tuổi thai và số lượng tế bào CD4 (hay còn gọi là phương án B+), do vậy việc điều trị hiện nay đơn giản, thuận lợi hơn rất nhiều. Theo BS.CKII Lại Kim Anh, Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS, ưu điểm của phương án B+ là PNMT khi được phát hiện nhiễm HIV sẽ được điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, điều trị ARV ngay và điều trị suốt đời. Đây là một phương án tối ưu, dễ thực hiện và hiệu quả.

Bác sĩ Lại Kim Anh cho biết thêm: “Trước đây, PNMT khi phát hiện nhiễm HIV, tình trạng lâm sàng miễn dịch còn tốt sẽ được bác sĩ chỉ định uống thuốc điều trị dự phòng lây truyền mẹ con từ tuần thai thứ 14, sau đó sinh xong thì ngưng và chỉ khi nào số lượng tế bào CD4 có mức giảm dưới 350 TB/mm3, người mẹ mới được điều trị ARV. Sự ngắt quãng này khiến một số bà mẹ sau sinh dễ quên vì bận nuôi con, không chú ý đến sức khỏe của mình. Khi thực hiện phương án B+, người mẹ được điều trị sớm, liên tục, giúp giảm lượng virus HIV trong máu nên sinh xong, người mẹ vẫn được quyền chọn lựa cho con bú để đảm bảo những lợi ích của sữa mẹ, tất nhiên phải quan tâm cho con bú đúng cách. Trong điều kiện PNMT sử dụng phương án B+, em bé vẫn được tiếp tục uống thuốc điều trị dự phòng lây truyền mẹ con, nếu người mẹ này điều trị sớm thì em bé chỉ cần uống thuốc điều trị dự phòng lây truyền mẹ con trong vòng 6 tuần. Nếu người mẹ điều trị muộn hoặc cho con bú thì em bé chỉ uống thuốc dự phòng lây truyền mẹ con trong vòng 12 tuần”.

Bác sĩ Đoàn Thị Xuân Nguyệt, Phó Khoa Kiểm soát dịch bệnh, cán bộ quản lý chương trình HIV/AIDS, Trung tâm Y tế dự phòng quận Ninh Kiều, cho biết: “Từ khi thực hiện phương án này, PNMT khi phát hiện nhiễm HIV sẽ được chuyển ngay đến phòng khám ngoại trú của quận để tư vấn, điều trị uống thuốc suốt đời (trước đây là chuyển đến Khoa Sản - Bệnh viện Đa khoa thành phố (nay là Bệnh viện Phụ Sản thành phố). Do đó, việc quản lý, theo dõi điều trị cho PNMT nhiễm HIV hiện nay cũng chặt chẽ hơn vì có sự liên kết với các bà mẹ ngay từ đầu, hạn chế tình trạng mất dấu bệnh nhân”.

* Giảm kỳ thị trong cộng đồng


Hiệu quả của chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con đã giúp PNMT dần nâng cao nhận thức, hiểu biết về HIV, quan tâm thực hiện các biện pháp dự phòng, giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV từ mẹ sang con. Tuy nhiên, thực tế không phải tất cả các bà mẹ đều có điều kiện để nắm bắt đầy đủ những thông tin này. Ngoài ra, còn một số PNMT có nguy cơ nhiễm HIV cao trong cộng đồng vẫn còn mặc cảm, e ngại, chưa chủ động đến các cơ sở y tế xét nghiệm HIV nên việc phát hiện và tiếp cận điều trị muộn. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc trẻ sinh ra có nguy cơ cao bị nhiễm HIV từ mẹ.

Theo bác sĩ Vũ Đăng Khoa, cán bộ phụ trách chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, Bệnh viện Phụ Sản TP Cần Thơ, những năm gần đây, trung bình mỗi năm bệnh viện ghi nhận khoảng 50-70 PNMT bị nhiễm HIV, trong số đó, có khoảng 50% được phát hiện trong lúc chuyển dạ sinh con, tỷ lệ này trước đó là 70%-80%, và vẫn còn  nhiều PNMT nhiễm HIV đến lúc sinh vẫn còn giấu  bệnh với gia đình vì nỗi lo bị ruồng bỏ, kỳ thị và phân biệt đối xử…

Cử nhân hộ sinh Trần Thị Ngọc Ánh, Trưởng Khoa Chăm sóc sức khỏe sinh sản - Trung tâm Y tế dự phòng quận Cái Răng, cho rằng: để hỗ trợ PNMT nhiễm HIV ổn định tinh thần, an tâm, tuân thủ điều trị và sinh con khỏe mạnh, bên cạnh sự giúp đỡ, hướng dẫn của cán bộ y tế, tư vấn viên, rất cần sự quan tâm, chia sẻ của cộng đồng, đặc biệt là những người thân trong gia đình như người chồng, người mẹ. Đây cũng là những người gần gũi, cảm thông, có điều kiện chăm sóc cho phụ nữ nhiễm HIV nhiều nhất trong thời gian mang thai, sinh nở và sau sinh.

Để phụ nữ nhiễm HIV bớt mặc cảm, lo lắng, gia đình và cộng đồng nên xem người nhiễm HIV cũng giống như các bệnh nhiễm khác, tránh kỳ thị, phân biệt đối xử. Bên cạnh đó, hoạt động tuyên truyền, hỗ trợ cung cấp thông tin, giúp PNMT hiểu rõ mục đích, lợi ích của vấn đề dự phòng, điều trị lây truyền mẹ con cũng cần được đẩy mạnh hơn nữa. PNMT nhiễm HIV cần được hỗ trợ tiếp cận và tham gia các dịch vụ điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con sớm để trẻ được sinh ra khỏe mạnh, được bảo vệ trước nguy cơ nhiễm HIV.
Bài, ảnh: Nguyệt Hương




Đường dây nóng




Số lượng truy cập