Thứ Năm, ngày 18-04-2024 Trang chủ| Liên hệ| Góp ý| Sơ đồ   [Đăng nhập]
Tìm kiếm
ĐƯỜNG DÂY NÓNG

 

Hồ sơ công việc
 
 
 
Tin hoạt động Ngành
Tăng mức xử phạt vi phạm an toàn thực phẩm
[ Cập nhật vào ngày (14/11/2018) ] - [ Số lần xem: 500 ]
Thầy thuốc Nhân dân - BS.CKII Nguyễn Trung Nghĩa (áo trắng), Phó Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ kiểm tra cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố tại Chợ đêm Trần Phú, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ.
Thầy thuốc Nhân dân - BS.CKII Nguyễn Trung Nghĩa (áo trắng), Phó Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ kiểm tra cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố tại Chợ đêm Trần Phú, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ.

Thủ tướng vừa ban hành Nghị định số 115/2018/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm (ATTP), Nghị định này có hiệu lực từ ngày 20/10/2018 và thay thế Nghị định số 178/2013/NĐ-CP. Theo Nghị định mới, các hành vi vi phạm về ATTP sẽ bị xử phạt nặng hơn, hình thức xử phạt chính là phạt tiền, không có hình thức cảnh cáo và mức phạt tiền tối đa lên đến 7 lần giá trị hàng hóa vi phạm.

Nghị định số 115/2018/NĐ-CP gồm 04 chương, 39 điều. Nghị định này quy định mức xử phạt vi phạm hành chính về ATTP răn đe hơn so với Nghị định số 178/2013/NĐ-CP: Quy định hình thức xử phạt chính là phạt tiền, không quy định hình thức nhắc nhở hay cảnh cáo, tăng mức phạt tiền ở các hành vi, mức phạt tiền cao nhất lên đến 100 triệu đồng. Tuy nhiên, có những hành vi vi phạm không quy định mức tiền phạt mà theo tỉ lệ phần trăm tổng giá trị hàng hóa vi phạm, nay mức xử phạt lên đến gấp 2 lần tổng giá trị hàng hóa. Ví dụ, với giá trị thực phẩm được chế biến từ nguồn nguyên liêu là động vật chưa kiểm tra vệ sinh thú y, mức xử phạt cũ là phạt tiền từ 80 - 100% tổng giá trị thực phẩm đó, nay theo quy định tại Nghị định 115, mức phạt cao nhất lên gấp đôi giá trị lô thực phẩm.

BAI TANG MUC XU PHAT ATTP - 0016.jpg

Ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố.

Tương tự, cũng tại Điều 4 của Nghị định 115, vi phạm quy định về sử dụng nguyên liệu để sản xuất, chế biến, cung cấp thực phẩm, có thể bị phạt tiền từ 5 - 7 lần giá trị sản phẩm trong trường hợp áp dụng mức phạt tiền cao nhất của khung tiền phạt nhưng còn thấp hơn 7 lần giá trị sản phẩm vi phạm mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Như vậy, với quy định phạt tiền này tại Nghị định mới đang gấp đôi mức phạt cũ.

Nghị định mới cũng quy định nhiều hành vi xử phạt bổ sung như: tước quyền sử dụng giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm; đình chỉ hoạt động có thời hạn tịch thu, tiêu hủy tang vật vi phạm.

Đối với thức ăn đường phố, theo Điều 16 của Nghị định 115 quy định về điều kiện bảo đảm ATTP trong kinh doanh thức ăn đường phố sẽ phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: thức ăn không được che đậy ngăn chặn bụi bẩn; có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập; không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn nhanh...

Phạt tiền từ 1.000.000 đồng tới 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: sử dụng dụng cụ chế biến, ăn uống, chứa đựng trực tiếp thực phẩm không bảo đảm an toàn; người đang mắc bệnh mà theo quy định không được trực tiếp kinh doanh thức ăn; sử dụng nước không bảo đảm vệ sinh để chế biến thức ăn, vệ sinh trang thiết bị, dụng cụ phục vụ chế biến, ăn uống...

Nghị định 115 chính thức có hiệu lực từ ngày 20/10/2018 đã nhận dư luận rất hưởng ứng, nhất là người tiêu dùng, bởi lâu nay vấn nạn thức ăn đường phố không bảo đảm vệ sinh diễn ra phổ biến, khó chấn chỉnh. Nhìn nhận khách quan, lĩnh vực này đã có sự chuyển biến so với trước, một số cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố đã tuân thủ quy định bảo đảm vệ sinh ATTP ở mức tương đối, có cơ sở được coi là khá. Các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố được quản lý chặt chẽ hơn dưới dạng tụ điểm, công tác thanh kiểm tra, tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật về các quy định ATTP cũng thường xuyên hơn. Chủ cơ sở kinh doanh cũng thực hiện các quy định ATTP nghiêm túc hơn.

Tuy nhiên, cũng có không ít ý kiến bày tỏ lo ngại về tính khả thi của các quy định nhất là phần lớn các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, thức ăn đường phố bày bán tràn lan nên các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ của cơ sở vẫn chưa đảm bảo theo quy định. Một số cơ sở kinh doanh qua mạng xã hội, Zalo, Facebook,… không có địa điểm sản xuất cụ thể, điều này gây khó khăn trong việc giám sát, quản lý trên địa bàn. Các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố hoạt động theo thời vụ, di động, sử dụng nguyên liệu thực phẩm rẻ tiền chưa rõ nguồn gốc. Người kinh doanh thức ăn đường phố phần lớn có hoàn cảnh khó khăn nên chưa có ý thức trong việc thực hiện các điều kiện đảm bảo về vệ sinh ATTP.

Nhiều người vẫn còn băn khoăn khi cho rằng, chưa hẳn cứ phạt thật nặng là đã có thể chuyển biến được ý thức của người kinh doanh mà cần phải làm sao để thay đổi thái độ, hành vi trong lĩnh vực ATTP cho đúng đắn.

Trong khi đó, với số tiền phạt khá lớn nên các cửa hàng ăn uống, kinh doanh thực phẩm sẽ tìm mọi cách đối phó. Chính quyền địa phương ở một số nơi vẫn chưa thật sự quan tâm đúng mức đến công tác đảm bảo ATTP; chưa thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát về ATTP trên địa bàn quản lý. Do đó nếu lực lượng chức năng không tăng cường, thường xuyên giám sát, kiểm tra chặt chẽ thì khi thực hiện khó khả thi và sẽ nhanh chóng rơi vào quên lãng như từng xảy ra với các quy định trước đây.

Vậy nên, việc tăng mức phạt cần có các giải pháp đồng bộ khác nhằm bảo đảm việc tuân thủ pháp luật về vệ sinh ATTP lâu dài, mang tính bền vững. Qua đó dần chấn chỉnh tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm ở loại hình thức ăn đường phố, vốn rất phổ biến và được người tiêu dùng lựa chọn hàng đầu tại địa phương trong tỉnh cũng như trong cả nước.

Quan trọng nhất vẫn là thực hiện đồng bộ, hiệu quả nhiều giải pháp để thay đổi được cách nghĩ, cách làm của người kinh doanh. Vì vậy, ngành chức năng cần tăng cường quản lý, kiểm tra giám sát các cơ sở kinh doanh đảm bảo ATTP; đồng thời, người tiêu dùng cũng cần tự trang bị những kiến thức ATTP, tẩy chay những cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, hàng quán thức ăn đường phố không đảm bảo điều kiện. Thông báo cho cơ quan quản lý phát hiện và xử lý kịp thời các cơ sở kinh doanh không tuân thủ và đảm bảo các điều kiện ATTP nhằm bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng.

Bài, ảnh: Thảo Ngân




Đường dây nóng




Số lượng truy cập