Ngành Y tế khuyến cáo hiện đang bước vào mùa cao điểm của bệnh
tay chân miệng (TCM) do đó các bậc phụ huynh cần chú ý theo dõi sức khỏe của trẻ
cũng như nâng cao kiến thức trong việc phòng, chống bệnh TCM.
Ca bệnh chủ yếu ở nhóm từ 3 tuổi trở xuống
Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Cần Thơ, tính
từ đầu năm 2018 đến ngày 1/11, toàn thành phố ghi nhận có 903 trường hợp mắc
TCM. Đáng lo ngại số trường hợp mắc tăng cao trong những tháng gần đây (tháng 8
có trên 100 trường hợp, tháng 9 tăng lên trên 250 trường hợp, trong khi đó từ
tháng 7 trở về trước số trường hợp mắc chỉ dao động từ trên 30-50 trẻ). Số ca mắc
TCM chủ yếu ở nhóm từ 3 tuổi trở xuống với 836 ca. Ngành y tế cũng ghi nhận có
65 ổ dịch, tăng 49 ổ dịch so với cùng kỳ năm 2017.
Báo cáo của Bệnh viện Nhi đồng cũng cho thấy số trường hợp mắc
TCM nhập viện điều trị tăng đột biến. Tháng 8, có 146 bệnh nhi mắc TCM điều trị
nội trú, thì trong tháng 9 với 411 trường hợp. Riêng trong khoảng hai tuần đầu
tháng 10 có trên 200 trường hợp TCM nhập viện.
Vừa qua, ngày 10/10/2018, Sở Y tế cũng đã ban hành công văn
khẩn số 3118 yêu cầu các đơn vị trực thuộc tăng cường công tác phòng chống và
điều trị bệnh TCM.

BS.CKII Nguyễn Trung Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Y tế cùng các
thành viên trong đoàn kiểm tra công tác y tế trường học. Ảnh: H.G
Theo đó, Sở Y tế đề nghị các cơ sở điều trị chuẩn bị nhân
lực, giường bệnh, trang thiết bị, hóa chất, vật tư y tế, thuốc men để sẵn
sàng tiếp nhận, cấp cứu, điều trị hoặc chuyển tuyến người bệnh TCM kịp thời,
an toàn, hiệu quả theo đúng phân tuyến và thực hiện tốt công tác kiểm soát lây
nhiễm. Bên cạnh đó, bố trí nhân lực phù hợp để tiếp nhận bệnh nhân và hỗ trợ
tuyến dưới khi có yêu cầu, đảm bảo phân loại đúng mức độ bệnh để theo dõi
sát, xử trí kịp thời, chính xác bệnh TCM. Đặc biệt chú ý những trường hợp
nặng, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong. Thực hiện nghiêm túc các quy chế
chuyên môn, quy chế thường trực, cấp cứu, hội chẩn, chuyển viện.
Sở Y tế cũng chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố
và Trung tâm Y tế các quận/huyện tổ chức thực hiện tốt công tác phòng, chống
dịch TCM tại địa phương, đảm bảo trang thiết bị, hóa chất, phương tiện vận
chuyển, nhân lực sẵn sàng để triển khai phòng chống dịch kịp thời. Phân công
cán bộ tăng cường giám sát ca bệnh, ổ dịch, khu vực có nguy cơ cao, đặc biệt
lưu ý các xã/phường đang có số ca mắc gia tăng. Phát hiện sớm các trường hợp
mắc để xử lý kịp thời, triệt để các ổ dịch theo đúng quy định, hạn chế tối
đa trường hợp mắc, tử vong, không để xảy ra dịch lớn trên địa bàn.

Chú ý bảo vệ sức khỏe cho trẻ nhỏ trong mùa cao điểm bệnh
tay chân miệng. Ảnh: H.G
Thời gian qua, ngành Y tế cũng tích cực phối hợp với ngành
Giáo dục và Đào tạo tổ chức các buổi tuyên truyền, tập huấn cho giáo viên các
trường mầm non, mẫu giáo, tiểu học, nhà trẻ, nhóm trẻ gia đình về các biện
pháp phòng chống TCM; kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh trong trường học;
hướng dẫn cách phòng ngừa, vệ sinh bằng cloramin B khi có ca bệnh xảy ra tại
trường học...
Nhằm tăng cường công tác kiểm tra, giám sát xử lý ổ dịch
TCM, từ đầu năm đến nay, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố đã cấp hơn
2.500kg Cloramin B, 18 máy phun STILL 420, 9 máy phun Amita(F-868), 11.000 gói
thuốc Sumilav cho các quận/huyện trong xử lý ca bệnh, ổ dịch; tổ chức tập huấn
giám sát điều trị và truyền thông TCM cho các bác sĩ, cán bộ y tế thuộc các bệnh
viện, trung tâm y tế trên địa bàn thành phố...
Theo dõi tình trạng sức khỏe của trẻ hàng ngày
Theo các bác sĩ, bệnh TCM lây truyền qua đường tiêu hóa: nước
uống, bàn tay của trẻ hoặc của người chăm sóc trẻ, các đồ dùng, đặc biệt là đồ
chơi và vật dụng sinh hoạt hàng ngày như chén, bát, đĩa, thìa, cốc bị nhiễm vi
rút từ phân hoặc dịch nốt phỏng, vết loét hoặc dịch tiết đường hô hấp, nước bọt.
Ngoài ra, bệnh cũng có thể lây truyền do tiếp xúc trực tiếp người - người qua
các dịch tiết đường hô hấp, hạt nước bọt. Một số yếu tố có thể làm gia tăng sự
lây truyền và bùng phát dịch bao gồm: mật độ dân số cao, sống chật chội; điều
kiện vệ sinh kém; thiếu nhà vệ sinh; thiếu hoặc không có nước sạch phục vụ cho
sinh hoạt hàng ngày. Bệnh thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt ở nhóm dưới 3 tuổi.
Để phòng bệnh TCM, BS.CKI Trần Văn Tuấn, Trung tâm Kiểm soát
bệnh tật lưu ý các bậc phụ huynh, nhất là những bà mẹ có con nhỏ dưới 5 tuổi cần
thực hiện các biện pháp vệ sinh ăn uống, vệ sinh cá nhân, nơi sinh hoạt là việc
làm hết sức cần thiết. Theo đó, thực hiện 3 sạch: ăn (uống) sạch; ở sạch; bàn
tay sạch và chơi đồ chơi sạch. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước
chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến
thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau
khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.
Về vệ sinh ăn uống, nên ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống
phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước
sôi); đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn
cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng
chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như ly, chén, dĩa, muỗng, đồ chơi
chưa được khử trùng. Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng
ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế,
sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh cần chú ý theo dõi sức khỏe của
trẻ hàng ngày, khi thấy các dấu hiệu trẻ bị sốt, loét miệng, phỏng nước ở lòng
bàn tay, lòng bàn chân, vùng mông, đầu gối nên đưa trẻ đi khám để được điều trị
kịp thời.
Tại nhà trẻ, mẫu giáo, cũng thực hiện các biện pháp phòng bệnh
như trên; đảm bảo có đủ xà phòng rửa tay tại từng lớp học. Các giáo viên, người
chăm sóc trẻ theo dõi tình trạng sức khỏe của trẻ khi đến lớp hàng ngày. Nếu
phát hiện trong lớp, trong trường có trẻ nghi ngờ mắc bệnh phải thông báo cho
gia đình và cán bộ y tế để xử lý kịp thời. Trẻ mắc bệnh không đến lớp ít nhất
là 10 ngày kể từ khi khởi phát bệnh và chỉ đến lớp khi hết loét miệng và các phỏng
nước.