Thứ Sáu, ngày 29-03-2024 Trang chủ| Liên hệ| Góp ý| Sơ đồ   [Đăng nhập]
Tìm kiếm
ĐƯỜNG DÂY NÓNG

 

Hồ sơ công việc
 
 
 
Tin hoạt động Ngành
Nâng cao hiệu quả chẩn đoán, điều trị bệnh lao tại tuyến cơ sở
[ Cập nhật vào ngày (22/03/2018) ] - [ Số lần xem: 814 ]
Cán bộ y tế đang xét nghiệm mẫu đàm trên máy Gene Xpert tại Trung tâm Y tế quận Thốt Nốt.
Cán bộ y tế đang xét nghiệm mẫu đàm trên máy Gene Xpert tại Trung tâm Y tế quận Thốt Nốt.

*Tuyến quận đầu tiên được trang bị máy Gene Xpert

Mới đây, với sự hỗ trợ của Bệnh viện Phổi Trung ương, ngành Y tế Cần Thơ đã được trang bị thêm một máy Gene Xpert đặt tại Trung tâm Y tế quận Thốt Nốt và đưa vào hoạt động đầu năm 2018. Không chỉ chẩn đoán lao kháng thuốc, Gene Xpert còn giúp chẩn đoán bệnh lao trên bệnh nhân nhiễm HIV, lao trẻ em.

Đây là Trung tâm Y tế tuyến quận đầu tiên được trang bị máy Gene Xpert tại thành phố Cần Thơ, tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh, giảm thời gian và chi phí đi lại, đồng thời giảm tải cho tuyến trên.  

Quận Thốt Nốt Nỗ lực phòng chống bệnh lao_04.jpg

Cán bộ phụ trách chương trình lao tại Trạm Y tế phường Trung Kiên phát thuốc và hướng dẫn bệnh nhân uống thuốc đúng liều.

Trước đây, để chẩn đoán các trường hợp lao kháng thuốc, các bệnh nhân tại một số quận/huyện như: Thốt Nốt, Cờ Đỏ và Vĩnh Thạnh phải lên Bệnh viện Lao và Bệnh phổi để lấy mẫu đàm vì chỉ có nơi đây mới triển khai kỹ thuật Gene Xpert, thời gian cho kết quả nhanh, chỉ mất hai giờ. Mặc dù vậy, việc đi lại xa cũng gây tốn kém chi phí cho bệnh nhân.  

Y sĩ Đỗ Thanh Viễn Thông, cán bộ phụ trách Tổ lao - Trung tâm Y tế quận Thốt Nốt, cho biết: "Máy Gene Xpert cho kết quả nhanh chỉ sau hai giờ nên giúp bác sĩ có quyết định điều trị sớm. Từ khi được trang bị máy Gene Xpert, Trung tâm Y tế quận Thốt Nốt cũng phụ trách xét nghiệm và chẩn đoán lao kháng thuốc cho hai huyện lân cận Cờ Đỏ và Vĩnh Thạnh bằng kỹ thuật hiện đại này. Sau chẩn đoán, nếu kết quả dương tính thì trung tâm sẽ chuyển bệnh nhân lên Bệnh viện Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ để các bác sĩ cho phác đồ điều trị, sau đó người bệnh sẽ được chuyển về địa phương để theo dõi quản lý tiếp tục”.

Việc thực hiện kỹ thuật này ngay tại trung tâm có nhiều thuận lợi vì cho kết quả nhanh, độ chính xác cao, bệnh nhân được đưa đi điều trị kịp thời, từ đó làm giảm mất dấu theo dõi người bệnh. Kỹ thuật xét nghiệm này có độ nhạy lên tới 99% ở những bệnh phẩm đàm soi AFB (vi khuẩn lao) dương tính và 80% ở những mẫu đàm soi AFB âm tính.

* Theo dõi chặt chẽ quá trình điều trị cho bệnh nhân lao

Nhiều năm qua, hoạt động phòng chống lao tại quận Thốt Nốt được đánh giá cao và là một trong các các đơn vị dẫn đầu tại TP Cần Thơ. Với việc quản lý chặt chẽ, đội ngũ cán bộ phụ trách phối hợp nhiệt tình từ tuyến quận đến phường, nhờ đó theo dõi sát người bệnh, tìm hiểu hoàn cảnh khó khăn để kịp thời động viên, chia sẻ với bệnh nhân trong quá trình điều trị.

Y sĩ Phạm Hữu Hiện, công tác tại Trạm Y tế phường Trung Kiên, quận Thốt Nốt, với kinh nghiệm gần 5 năm phụ trách chương trình chống lao tại phường cho biết: “Một trong những yếu tố góp phần vào sự thành công trong công tác chống lao là tránh để bệnh nhân bỏ trị, giảm thiểu tối đa các yếu tố nguy cơ lây nhiễm lao cho cộng đồng. Tại trạm hiện chỉ có 1 cán bộ phụ trách chương trình chống lao nhưng được sự hỗ trợ từ Tổ lao - Trung tâm Y tế thường xuyên kết hợp vãng gia thăm hộ gia đình nên bệnh nhân được theo dõi chặt chẽ suốt quá trình điều trị. Cũng nhờ phối hợp tốt công tác này, tại phường nhiều năm qua chưa có trường hợp bệnh nhân bỏ trị, đều đạt mức điều trị thành công cao và người mắc bệnh cũng được phát hiện sớm”.

Năm 2017, phường Trung Kiên phát hiện và quản lý 57 bệnh nhân lao và tất cả các bệnh nhân hoàn thành phác đồ đều điều trị thành công. Tháng 11 năm qua, Trạm Y tế phường phối hợp với đoàn khám bệnh miễn phí tổ chức khám và chụp X-Quang cho 1.080 người dân trên địa bàn phường, trong đó phát hiện 7 ca dương tính với lao, đang được quản lý điều trị theo phác đồ.

Anh C.T.X (44 tuổi, khu vực Lân Thạnh 2, phường Trung Kiên), cho biết: “Cách đây hơn một năm tôi được chẩn đoán mắc bệnh tràn dịch màng phổi do lao; lúc đó mệt mỏi, khó thở và không làm việc nặng được. Tuy nhiên trong quá trình điều trị được sự quan tâm, động viên của các cán bộ Trung tâm và Trạm Y tế, mọi người còn thường xuyên đến nhà thăm hỏi tình hình, đã giúp tôi an tâm thực hiện đúng phác đồ điều trị 6 tháng, hiện giờ tôi đã khỏe mạnh và làm việc bình thường”.

Cũng là một trong số bệnh nhân lao điều trị tại Trạm Y tế phường Trung Kiên, chị Đ.T.T. M (38 tuổi) chia sẻ: “Do điều kiện khó khăn nên tôi rất ít khi đi khám sức khỏe, nhưng cách đây khoảng 3 tháng bị ho kéo dài, sút cân, đi khám thì được chẩn đoán bị lao. Được bác sĩ giải thích về tác hại và nguy cơ ảnh hưởng đến những người trong gia đình nên tôi đã quyết tâm điều trị, hiện đã qua được giai đoạn khó khăn nhất là điều trị tấn công 2 tháng đầu. Bây giờ tôi vẫn được các cán bộ Trạm Y tế phường theo dõi, nhắc nhở uống thuốc đầy đủ, cũng mừng vì thuốc được cấp miễn phí”.

Không chỉ riêng trường hợp anh X., chị M., hầu hết bệnh nhân do Trung tâm Y tế quận Thốt Nốt quản lý đều được Tổ lao trung tâm kết hợp với cán bộ phụ trách chương trình chống lao tại Trạm Y tế tổ chức vãng gia trong quá trình điều trị, nhằm theo dõi sức khỏe và động viên bệnh nhân tuân thủ đúng phác đồ, điều trị dứt bệnh, tránh tình trạng bỏ trị.

“Có những trường hợp đến lịch hẹn nhưng bệnh nhân không đến nhận thuốc vì nhiều lý do như uống thuốc bị tác dụng phụ gây mệt mỏi hoặc bệnh nhân tự thấy khỏe nên ngưng, chúng tôi phải đến tận nơi tìm hiểu nguyên nhân và động viên, giải thích cho bệnh nhân hiểu để họ tiếp tục uống thuốc đủ thời gian, đúng phác đồ mới điều trị khỏi hẳn bệnh” - Y sĩ Thông cho biết thêm.

Bài, ảnh: Duy Lê




Đường dây nóng




Số lượng truy cập