Thứ Bảy, ngày 20-04-2024 Trang chủ| Liên hệ| Góp ý| Sơ đồ   [Đăng nhập]
Tìm kiếm
ĐƯỜNG DÂY NÓNG

 

Hồ sơ công việc
 
 
 
Tin hoạt động Ngành
Những bệnh về da thường gặp ở trẻ
[ Cập nhật vào ngày (16/10/2014) ] - [ Số lần xem: 1345 ]

Bệnh da luôn chịu sự tác động của rất nhiều yếu tố từ môi trường. Khí hậu, thời tiết không thuận lợi, nhiệt độ thay đổi đều có những ảnh hưởng và gây nên một số bệnh về da, nhất là đối với da của trẻ em, trong đó rôm sảy, viêm kẽ, chốc… vẫn thường hay gặp nhất.

Rôm sảy

Bệnh thường gặp khi thời tiết nắng nóng, do sự tăng tiết và ứ đọng mồ hôi, tạo nên phản ứng viêm nhiễm trên da. Biểu hiện thường gặp là những mụn nước nhỏ li ti, khu trú chủ yếu ở trán, cổ, ngực, lưng. Khi ra nắng thường gây cảm giác ngứa. Các mụn nước vài ngày sau vỡ ra, để lại những vảy nhỏ trên da. Bệnh rất dễ gây một số biến chứng viêm da, nhiễm trùng, nung mủ.

Để khắc phục tình trạng trên, cha mẹ cần tạo môi trường thoáng mát, sạch sẽ, khô ráo và tắm rửa cho trẻ đều đặn, hợp lý. Bé có thể tắm với dung dịch thuốc tím pha loãng (1/10.000) hoặc thoa các chế phẩm làm dịu da. Trong trường hợp ngứa nhiều, trẻ có thể dùng thuốc kháng dị ứng thích hợp. Trường hợp trẻ có viêm nhiễm, nung mủ thì cần được điều trị bởi các thầy thuốc chuyên khoa.

Viêm kẽ

w_VIEM KE.jpg
Trẻ bị viêm kẽ ở nếp cổ.

Đây cũng là bệnh lý ngoài da thường gặp vào mùa nóng ẩm, ở những người béo phì, có thể gặp ở người lớn và trẻ mập, ra nhiều mồ hôi. Biểu hiện đầu tiên của bệnh là tình trạng viêm đỏ ở các nếp kẽ (dân gian gọi là hăm kẽ), tổn thương trên da có giới hạn tương đối rõ. Vị trí thường gặp ở các nếp gấp như: nếp cổ, kẽ bẹn, kẽ mông, kẽ sau tai, có khi ở rốn, các khuỷu tay, chân. Khi không được chăm sóc chu đáo, trẻ có thể bị nhiễm trùng. Lúc đó, các tổn thương có thể rỉ dịch, nung mủ, gây ngứa và đau rát.

Ngoài nguyên nhân do nhiễm trùng thì nhiễm vi nấm cũng là yếu tố được đề cập trong diễn tiến của bệnh. Khi đó, ngoài các tổn thương nung mủ, ta có thể thấy các mảng da trợt đỏ, ẩm ướt, trên có nhiều bợn trắng như sữa, xung quanh có viền vảy tróc. Trong trường hợp này, cần phối hợp với thuốc chống nấm bôi tại chỗ.

Việc điều trị, tùy theo mức độ, có thể sử dụng một số loại thuốc bôi như: Bột talc để làm khô da, eosine 2% hoặc dung dịch milian chống nhiễm trùng, các dạng hồ kẽm có tác dụng se da, làm khô các nếp kẽ; kết hợp với việc sử dụng kháng sinh, kháng dị ứng qua đường toàn thân, khi thật sự cần thiết. Bên cạnh đó, việc giữ gìn vệ sinh, tắm rửa hợp lý bằng các loại sữa tắm có tác dụng sát khuẩn; giữ các nếp kẽ tay, kẽ chân, các nếp da luôn khô ráo, thoáng mát, cũng có ý nghĩa tích cực trong phòng bệnh.

Bệnh chốc

w_BENH CHOC.jpg
Chốc ở vùng da cánh tay.

Bệnh chốc là bệnh da thường gặp do nhiễm liên cầu khuẩn. Bệnh có tính lây lan, nhất là đối với trẻ em, có thể lây lan thành dịch ở trong gia đình hoặc trong trường học. Chúng có thể xuất hiện như nhiễm trùng nguyên phát do vỡ nhẹ lớp nông của da hoặc nhiễm trùng thứ phát của bệnh da đang tồn tại (chốc hóa). Yếu tố thuận lợi gây bệnh là lạm dụng corticoid bôi có thể ảnh hưởng lên thảm vi khuẩn da, thương tổn da không được chú ý, côn trùng cắn…

Bệnh chốc bóng nước được biểu hiện bởi những dát đỏ, sau xuất hiện bọng nước to bằng hạt đỗ, hạt ngô hoặc lớn hơn chứa chất dịch lúc đầu màu vàng trong, về sau nhanh chóng trở thành đục và hóa mủ. Bọng nước vỡ ra và đóng vảy tiết màu vàng.

Vị trí thường gặp ở các vùng da: mặt, hai bên má, đầu, tay, chân, xung quanh các lỗ tự nhiên. Các phần khác của cơ thể ít gặp hơn. Trẻ em bị chốc khi  gãi sẽ làm vi khuẩn từ chỗ này lây lan sang chỗ khác, làm cho bệnh lan ra khắp cơ thể.

Trường hợp bị chốc không điều trị, thương tổn chốc sẽ tiến triển nặng trong nhiều tuần, gây chốc loét hoặc một số biến chứng như viêm cầu thận. Bệnh nhân được điều trị kịp thời, đúng phương pháp, bệnh sẽ khỏi.

Về phòng bệnh, cần lưu ý ăn ở vệ sinh, thường xuyên tắm giặt, gội đầu để tránh bị nhiễm khuẩn, nhất là đối với trẻ em; không nên giữ trẻ nhiều ngày ở nơi thiếu ánh sáng, ẩm thấp. Khi có biểu hiện của bệnh phải nhanh chóng chữa trị, tránh để lâu ngày, gãi nhiều gây bội nhiễm. Trong điều trị, trường hợp nhẹ có thể điều trị tại chỗ. Chỉ điều trị toàn thân khi có các biến chứng kể trên, tổn thương lan rộng hoặc bệnh dai dẳng tái phát nhiều lần.
TS.BS Huỳnh Văn Bá - Bộ môn Da Liễu Trường ĐH Y Dược Cần Thơ




Đường dây nóng




Số lượng truy cập