Thứ Sáu, ngày 26-04-2024 Trang chủ| Liên hệ| Góp ý| Sơ đồ   [Đăng nhập]
Tìm kiếm
ĐƯỜNG DÂY NÓNG

 

Hồ sơ công việc
 
 
 
Tin hoạt động Ngành
Phòng tai nạn giao thông, đuối nước cho trẻ em
[ Cập nhật vào ngày (25/08/2014) ] - [ Số lần xem: 963 ]

Theo ghi nhận của các bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng TP Cần Thơ, vào mùa hè và mùa nước lũ, trẻ em có nguy cơ bị tai nạn, đuối nước cao hơn, nhất là trẻ em ở vùng nông thôn. Trong một số trường hợp, nạn nhân nếu được phát hiện muộn hoặc sơ cứu ban đầu không đúng cách có thể mắc di chứng nặng nề, thậm chí tử vong.

* Nhập viện vì tai nạn thương tích (TNTT)

Ghi nhận trong một ngày giữa tháng 8/2014, tại Khoa Ngoại – Bệnh viện Nhi Đồng TP Cần Thơ, có 5 trẻ em dưới 14 tuổi bị TNTT đang được điều trị.  Trong đó, có 2 trẻ bị tai nạn giao thông, 3 trẻ bị tai nạn trong sinh hoạt.

Cháu N. V. Đ., 14 tuổi, ở tỉnh Sóc Trăng, đang được điều dưỡng khoa  chăm sóc vết thương. Nhăn mặt chịu đau, Đ. kể lại tai nạn: “Cháu lấy xe gắn máy để đi chợ mua đồ giùm cha. Đang chạy tới cua quẹo, xe vấp phải một vật cản trên đường, loạng choạng rồi ngã xuống. Cháu bị chiếc xe đè lên chân”.

w_IMG_6539 TNTT.jpg
Điều dưỡng Khoa Ngoại - Bệnh viện Nhi Đồng thành phố Cần Thơ đang chăm sóc vết thương cho một bệnh nhi bị tai nạn giao thông.

Tai nạn làm Đ. bị đứt gân duỗi, gãy đốt ngón ba chân trái và hoại tử một phần, phải cắt bỏ một ngón chân. Sau 14 ngày nằm viện, vết thương ở chân của Đ. vẫn chưa lành và em đang được y, bác sĩ bệnh viện tích cực điều trị, chăm sóc.

Nằm kế giường của Đ. là cháu L. N. L., 5 tuổi, ở quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ. Cháu L. bị gãy xương chân trái do tai nạn giao thông. Dì của L. nói: “Cháu tôi đang chơi trên lề đường trước nhà thì bị một phụ nữ chạy xe gắn máy quẹt ngã. Chúng tôi đưa cháu vào bệnh viện mới biết cháu bị gãy chân, phải bó bột, đến nay được 12 ngày rồi”. Cháu L. đang học lớp lá, tai nạn làm cháu phải nghỉ học nhiều ngày để điều trị. 

Theo ghi nhận của Bệnh viện Nhi Đồng thành phố, bình quân mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận điều trị nội và ngoại trú khoảng 10 trẻ bị TNTT trong và ngoài tỉnh, nhưng vào đầu hè, số TNTT bình quân sẽ là 15. Trong hơn 7 tháng đầu năm, bệnh viện tiếp nhận khoảng 4-5 trẻ bị đuối nước, trong đó, một trường hợp xảy ra ở Cần Thơ bị tử vong.

* Tai nạn rình rập trẻ ngoại thành

Bác sĩ CKII Trần Văn Dễ, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng TP Cần Thơ, cho biết: “TNTT trẻ em xảy ra trong mùa hè chủ yếu là bỏng, leo trèo bị ngã. Gần đây, chúng tôi ghi nhận nhiều trẻ em ngoại thành bị thương tích từ các trường hợp va quẹt xe. Nguyên nhân có thể do đường đi lại ở nông thôn nay đã tốt hơn nên lượng xe máy gia tăng, cộng thêm trẻ em vùng nông thôn ít được cha mẹ quản lý, trông nom cẩn thận. Do vậy, trẻ em nông thôn thường đi chơi nhà hàng xóm, hoặc đi chợ mua đồ giúp cha mẹ. Có em còn được cha mẹ cho chạy xe đạp hay xe gắn máy trên lộ nông thôn”. 

Cũng theo bác sĩ Dễ, điều đáng lo khác cho trẻ em vùng nông thôn là mùa nước nổi đang đến, trẻ dễ bị đuối nước khi tắm sông hoặc té xuống sông, rạch khi chơi đùa gần sông rạch, không có sự giám sát của người lớn. Đối với trẻ biết bơi, bơi giỏi vẫn có nguy cơ bị đuối nước bởi các nguyên nhân: đuối sức khi bơi, bị vọp bẻ, nước chảy xiết cuốn trôi, bơi vào vùng nước xoáy…   

* Luôn giám sát để tránh tai nạn, thương tích cho trẻ 

Các bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng khuyến cáo: để phòng đuối nước, các bậc cha mẹ cần luôn để mắt đến trẻ, không nên lơ là cho trẻ em chơi đùa ở khu vực gần sông rạch; hạn chế cho trẻ tắm sông. Đối với những trẻ biết bơi, khi trẻ tắm sông cũng phải có người lớn trông coi. Trẻ ở vùng ngoại thành có nhiều sông rạch cần được học bơi, mặc áo phao nếu phải đi xuồng ghe để đến trường. Bên cạnh đó, mô hình điểm giữ trẻ mùa lũ cũng cần được nhân rộng ở các địa phương vùng ngoại thành.


w_IMG_6534 tntt.jpg
Một bé gái bị ngã gãy tay đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng.

Để phòng tai nạn giao thông, nhất là vùng giao thông nông thôn, các gia đình nên làm hàng rào, cho trẻ chơi ở khuôn viên quanh nhà, tránh chơi hai bên lề đường giao thông. Cha mẹ nên hạn chế cho trẻ chạy xe đạp trên các tuyến đường có nhiều xe lưu thông, tuyệt đối không nên giao xe gắn máy cho trẻ chưa đủ tuổi lái.

Bác sĩ Trần Văn Dễ chia sẻ thêm:“Nếu gặp trường hợp bị gãy xương, nạn nhân phải được cố định bằng nẹp cây và nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế để được điều trị; các bậc cha mẹ không nên tự điều trị bằng cách đắp thuốc vào vết thương hoặc đến các thầy lang bôi thuốc... Trong trường hợp trẻ bị đuối nước, phải nhanh chóng đưa trẻ lên bờ, hà hơi, sốc nước, thông đường thở cho trẻ, phải làm để trẻ thở lại được. Nếu trẻ thở được, khóc lớn, da hồng hào thì nên đưa đến trạm y tế để được theo dõi. Nếu trẻ khó thở, tím tái là biểu hiện nặng nên nhanh chóng đưa đến bệnh viện chuyên khoa để được điều trị”.
Bài, ảnh: Lê Anh




Đường dây nóng




Số lượng truy cập