Thứ Bảy, ngày 20-04-2024 Trang chủ| Liên hệ| Góp ý| Sơ đồ   [Đăng nhập]
Tìm kiếm
ĐƯỜNG DÂY NÓNG

 

Hồ sơ công việc
 
 
 
Tin hoạt động Ngành
Cần Thơ hướng tới mục tiêu loại trừ bệnh sốt rét
[ Cập nhật vào ngày (01/08/2014) ] - [ Số lần xem: 1323 ]

Bệnh sốt rét được biết rất lâu trên thế giới và đã từng xảy ra nhiều vụ dịch cướp đi sinh mạng của nhiều người. Ở nước ta, bệnh vẫn đang lưu hành tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước với hàng ngàn ca mắc. Riêng TP Cần Thơ, bệnh đã được khống chế hiệu quả trong nhiều năm qua và đang hướng tới mục tiêu loại trừ bệnh này vào năm 2015.

bai sot ret_muoi 1.jpg
Muỗi Anophen truyền bệnh sốt rét. ảnh: nguồn Internet

* Bối cảnh chung

Ngày 27/10/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định 1920/QĐ-TTg về Chiến lược quốc gia phòng, chống và loại trừ bệnh sốt rét giai đoạn 2011-2020 và định hướng đến 2030. Chương trình này gồm 4 giai đoạn căn cứ vào tỷ lệ bệnh nhân của địa phương đó gồm: giai đoạn phòng chống tích cực; giai đoạn tiền loại trừ; giai đoạn loại trừ và giai đoạn phòng sốt rét quay trở lại.

Sau nhiều năm thực hiện mục tiêu phòng, chống sốt rét, đến nay, cả nước đã không có dịch sốt rét lớn xảy ra. So với năm 2000, tỷ lệ mắc sốt rét chung của cả nước giảm 83,4%, chết do sốt rét giảm 90,1%. Tuy nhiên, ở khu vực Tây bắc, miền Trung - Tây nguyên, các tỉnh miền Đông Nam Bộ, tỷ lệ chết và mắc vẫn còn ở mức cao và vẫn là vùng sốt rét lưu hành nặng nhất ở nước ta. Năm 2009, 16 tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên có số người chết do sốt rét chiếm 61% và số người nhiễm ký sinh trùng chiếm 75,4% trong tổng số mắc chung của cả nước.

Tình hình trên cho thấy rằng mặc dù công tác phòng chống sốt rét ở nước ta đã thu được nhiều kết quả khả quan, nhưng bệnh sốt rét có thể gia tăng và gây dịch tại một số vùng trên cả nước, trong khi đó, một số vùng lại có tình hình sốt rét ổn định nhiều năm (trong đó có Cần Thơ). Do vậy, công tác phòng chống không thể áp dụng một chiến lược chung cho các vùng có tình hình bệnh, phương thức lây truyền khác nhau. Việc xây dựng một chiến lược quốc gia phòng, chống hoặc loại trừ sốt rét ở Việt Nam cho từng vùng là rất cần thiết, để tiếp tục làm giảm chết, giảm mắc và không để dịch sốt rét lớn xảy ra.

* Nền tảng hướng tới loại trừ

Tại thành phố Cần Thơ, nhiều năm qua, số mắc bệnh sốt rét luôn dưới hai con số và hầu hết bệnh nhân là người Cần Thơ đi làm ăn và mắc bệnh ở nơi khác  trở về. Vật trung gian truyền bệnh chính là muỗi Anophen epiroticus tại địa phương vẫn chưa tìm thấy. Tỷ lệ mắc sốt rét trong nhiều năm qua khoảng 0,005/1.000 người. Tỷ lệ này ở mức thấp so với yêu cầu của giai đoạn tiền loại trừ là 5/1000 người, hay ở giai đoạn loại trừ là 1/1000 người. Do đó, việc thay đổi chiến lược phòng chống sốt rét sang loại trừ sốt rét cho phù hợp tình hình của thành phố Cần Thơ là cần thiết.

Việc thay đổi chiến lược, trước mắt, sẽ gặp những khó khăn, thách thức trong vấn đề khống chế không cho bệnh sốt rét quay trở lại và duy trì số mắc bệnh thấp như hiện nay. Bởi việc giao lưu của dân qua lại vùng rừng núi Campuchia và lao động theo mùa vụ từ Cần Thơ đến vùng sốt rét lưu hành nặng trong nước là rất lớn, ngoài tầm kiểm soát của ngành y tế. Điều này khiến cho tình hình sốt rét không ổn định và là nguồn lây nhiễm trong trường hợp môi trường sống có biến đổi. Ngoài ra, còn phải kể đến sự hiểu biết, ý thức thực hành phòng chống sốt rét của người dân còn thấp cũng là một thách thức.

Theo Chiến lược Quốc gia Phòng, chống và loại trừ bệnh sốt rét ở Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và định hướng đến 2030 thì Cần Thơ là một trong 15 tỉnh, thành đầu tiên thực hiện chiến lược loại trừ bệnh sốt rét. Trên cơ sở quyết định này, TP Cần Thơ đặt mục tiêu là giữ vững mức bệnh thấp như hiện nay, không có ca sốt rét nội địa; đảm bảo người mắc sốt rét và người có nguy cơ mắc được tiếp cận các dịch vụ chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời; tăng cường truyền thông phòng chống sốt rét; phân vùng dịch tễ sốt rét 5 năm một lần để đề ra các giải pháp kỹ thuật thích hợp với vùng mình; kết hợp quân dân y trong hoạt động phòng chống;… Các biện pháp cần áp dụng trong công tác phòng, chống sốt rét là tăng cường hệ thống giám sát phát hiện bệnh nhân; cũng cố chất lượng hoạt động của các điểm kính hiển vi tại Trung tâm Y tế dự phòng tuyến huyện, tất cả bệnh viện; tập huấn chẩn đoán, điều trị sốt rét; điều tra côn trùng. Ngoài ra, việc phát hiện ca bệnh và điều tra từng ca bệnh có ý nghĩa quan trọng bậc nhất, nhằm điều trị sớm tránh tử vong và ngăn chặn nguy cơ lây lan cho cộng đồng.
BS Dương Phước Long - Trung tâm Y tế dự phòng thành phố Cần Thơ




Đường dây nóng




Số lượng truy cập