Thứ Sáu, ngày 19-04-2024 Trang chủ| Liên hệ| Góp ý| Sơ đồ   [Đăng nhập]
Tìm kiếm
ĐƯỜNG DÂY NÓNG

 

Hồ sơ công việc
 
 
 
Tin hoạt động Ngành
Lợi ích của sữa non
[ Cập nhật vào ngày (01/08/2014) ] - [ Số lần xem: 986 ]
Trưởng Trạm Y tế phường An Lạc Liên Kim Em đang hướng dẫn bà mẹ cho con bú đúng cách
Trưởng Trạm Y tế phường An Lạc Liên Kim Em đang hướng dẫn bà mẹ cho con bú đúng cách

Sữa non là thức ăn đầu tiên của trẻ, xuất hiện vào cuối thời kỳ mang thai và lưu thông qua tuyến vú của người mẹ trong vòng 72 giờ đầu sau khi sinh con. Lượng sữa non tuy ít nhưng lại là loại thực phẩm hoàn hảo và an toàn nhất đối với trẻ lúc mới chào đời. Chính vì vậy, các thầy thuốc chuyên khoa thường khuyên những bà mẹ sau sinh nên cho trẻ bú sớm để tận dụng nguồn sữa non quý giá này.

Bú sớm, sữa “về” nhanh hơn!

Cách đây hơn hai tuần, chị Nguyễn Thị Thanh Trà (quận Ninh Kiều) vừa sinh con thứ hai, bé gái nặng 3,7 kg tại Trạm Y tế phường An Lạc. Chị Trà cho biết: “Sau sanh thường gần một tiếng, vừa ra khỏi phòng sanh nằm nghỉ một lát thì tôi cho bé bú liền vì nghe nói bé bú được sữa non sẽ rất tốt cho cơ thể của bé. Hồi sanh đứa con trai đầu lòng, tôi cũng cho bé bú từ khi mới chào đời đến 24 tháng mới cai sữa mẹ, vì thế bé rất khỏe mạnh và tăng cân đều. Nghe lời bà ngoại bé khuyên, sau sanh tôi không kiêng cữ thức ăn gì, chỉ cố gắng ăn nhiều hơn, ăn đủ loại, đủ chất, uống nhiều nước để có nhiều sữa cho con bú”.

Hộ sinh Liên Kim Em, Trưởng trạm Y tế phường An Lạc cho biết: “Từ đầu năm 2014 đến nay, trạm đã đỡ sanh cho khoảng hơn 100 ca. Các bà mẹ đều được chúng tôi chăm sóc, hướng dẫn và tư vấn rất kỹ lưỡng về việc cho em bé bú sớm ngay sau sanh trong vòng 30 phút đến 01 giờ và những lợi ích khi nuôi con bằng sữa mẹ”.

Việc cho trẻ bú sớm rất quan trọng, trẻ sẽ nhận được nguồn sữa non với đầy đủ các chất dinh dưỡng cân đối, dễ tiêu hóa, phù hợp với đường ruột non yếu của trẻ sơ sinh. Trong sữa non còn chứa nhiều vitamin A giúp phòng bệnh khô mắt và giàu kháng thể giúp trẻ chống lại sự nhiễm khuẩn, dị ứng, giúp bé đỡ bị vàng da.

Sữa non xuất hiện trong 1-3 ngày đầu sau sinh, có đặc điểm màu vàng nhạt, đặc sánh, khác với sữa mẹ khi chuyển tiếp sang giai đoạn sữa trưởng thành, vì vậy một số bà mẹ không biết, cho rằng sữa đầu không có chất dinh dưỡng và đem vắt bỏ là quan niệm sai lầm.

Theo Trưởng trạm Liên Kim Em, việc cho bé bú sớm còn giúp sữa mẹ tiết ra nhanh hơn, vì phản xạ và động tác mút vú của bé sẽ kích thích lên tuyến yên người mẹ tiết ra nội tiết tố oxytocine có tác dụng tống xuất sữa ra ngoài, đồng thời giúp co cơ tử cung, ngăn ngừa băng huyết sau sinh. Nếu cho bé bú muộn, sẽ làm chậm sự tiết sữa.

 Làm thế nào để trẻ được bú sớm

 Bác sĩ Nguyễn Thị Bé Năm, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TP Cần Thơ cho biết: “Thật ra, trước khi sinh con, sữa mẹ đã được trữ trong bầu sữa từ thời điểm mang thai tuần thứ 28, nhiều nhất là từ tuần thứ 37 trở về sau, đó là giai đoạn cuối của thai kỳ. Vì vậy, các bà mẹ hãy yên tâm, đừng lo không có sữa và hãy cho con bú ngay sau sinh khi người mẹ khỏe. Cơ chế tiết sữa khi tuyến vú được kích thích, trong đó có động tác bú của bé nên phải tập cho bé phản xạ mút vú sớm”.

Nhiều người mẹ thường có tâm lý “chờ sữa về”, nghĩa là ngày thứ 3-4 trở đi hay thậm chí nhiều ngày sau xuất viện về nhà, có sữa mới cho bé bú, nhất là trong trường hợp mẹ sinh mổ cũng khiến trẻ mất đi cơ hội được bú sữa non.

Chưa kể trong những ngày đầu không được bú mẹ, người nhà của trẻ và các bà mẹ lại thường sử dụng sữa bột chuẩn bị sẵn, pha vào bình cho bé uống. Điều này dễ gây nhiễm khuẩn và khiến trẻ không còn cảm giác thích sữa mẹ, bú bình sớm còn làm trẻ không ngậm bắt vú tốt cũng gây nhiều khó khăn cho việc nuôi con bằng sữa mẹ trong những tháng sau này.

Để tạo điều kiện cho trẻ bú sớm, các bác sĩ khuyên người nhà hoặc gia đình theo chăm sóc mẹ và bé sau khi sinh cần lưu ý: trẻ phải được nằm gần với mẹ, nằm cùng giường cạnh mẹ. Sự âu yếm, tiếp xúc giữa mẹ và bé cũng có tác dụng tinh thần giúp mẹ mau xuống sữa. Thực tế, vẫn có trường hợp, người nhà vì sợ sản phụ vừa trải qua cơn vượt cạn, yếu mệt, cần dưỡng sức, nên không để bé được gần mẹ, trong khi người mẹ vẫn có đủ sức khỏe để cho bé bú.

Một điều quan trọng nữa là bản thân người mẹ phải có chế độ dinh dưỡng tốt trong thời kỳ mang thai và sau sinh, ăn uống đầy đủ, nghỉ ngơi vận động hợp lý, tránh buồn phiền, giữ tinh thần luôn ổn định. Khi cho bé bú, người mẹ cũng chú ý cho bú đúng cách, nằm hoặc ngồi ở tư thế thoải mái, thư giãn, bụng bé áp sát vào bụng mẹ, miệng của trẻ đối diện với núm vú, đỡ thân trẻ bằng cách đặt lưng trẻ dọc theo cánh tay. Nếu trẻ được bú đúng cách thì người mẹ không có cảm giác đau vú.

Nguyệt Hương




Đường dây nóng




Số lượng truy cập