Thứ Năm, ngày 28-03-2024 Trang chủ| Liên hệ| Góp ý| Sơ đồ   [Đăng nhập]
Tìm kiếm
ĐƯỜNG DÂY NÓNG

 

Hồ sơ công việc
 
 
 
Tin hoạt động Ngành
Nguy cơ dịch bệnh “tấn công” trong mùa mưa
[ Cập nhật vào ngày (04/08/2014) ] - [ Số lần xem: 910 ]

Sốt xuất huyết (SXH), tay chân miệng, viêm não Nhật Bản B là 3/27 bệnh có nguy cơ bùng phát cùng lúc trong mùa mưa, cao điểm là tháng 8, 9, 10. Đây là cảnh báo đã được Bộ Y tế đặc biệt lưu ý tại Hội nghị Sơ kết công tác phòng chống dịch 6 tháng đầu năm vừa được tổ chức trong tháng 7/2014 tại TP Cần Thơ.

* Cảnh báo dịch “chồng” dịch
Báo cáo của Bộ Y tế cho thấy, 6 tháng đầu năm 2014, khu vực phía Nam có 24.487 ca mắc tay chân miệng, tử vong 2 ca; so với cùng kỳ năm 2013, số ca mắc tăng 161 ca, số ca tử vong giảm 12 ca. Số ca mắc tập trung nhiều ở các tỉnh, thành khu vực phía Nam, chiếm 77%. Bệnh tay chân miệng xuất hiện cả năm, tuy nhiên số ca mắc thường tăng trong mùa mưa và đạt đỉnh điểm vào  tháng 9 - 10.

w_bai nguy co dich benh tan cong_2240.jpg
Loại bỏ vật chứa nước trong và quanh nhà để phòng bệnh SXH.

Tương tự tay chân miệng, bệnh SXH lưu hành cả năm và tăng, giảm theo mùa hoặc diễn biến phức tạp theo sự thay đổi thất thường của thời tiết. Trong 5 tháng đầu năm, khu vực đã ghi nhận 6.223 ca mắc SXH, giảm gần 30% so với cùng kỳ năm 2013; 6 ca tử vong, giảm 3 ca so với cùng kỳ 2013. Kết quả giám sát vi rút cũng cho thấy, ở khu vực phía Nam, trong 8 năm qua, týp vi rút lưu hành chủ yếu là D1 nhưng cuối năm 2013, đầu năm 2014, khu vực này xuất hiện týp vi rút D3, một týp vi rút trước đây chưa xuất hiện tại khu vực nên người dân chưa có miễn dịch với bệnh. Điều này cảnh báo nguy cơ dịch SXH có thể bùng phát do týp vi rút D3 gây ra. Mặt khác, thời điểm này là mùa mưa nhưng vẫn có nắng nóng là điều kiện tốt cho sự sinh sôi, phát triển của muỗi vằn truyền bệnh.   

Riêng bệnh viêm não Nhật Bản B, trong 5 tháng đầu năm, khu vực có 44 ca mắc, chiếm 15,4% bệnh nhân viêm não do vi rút, số ca mắc chủ yếu ở độ tuổi dưới 15, chưa tiêm ngừa. Bộ Y tế cũng nhận định số ca mắc viêm não Nhật Bản B bắt đầu tăng vào tháng 5 và cảnh báo có thể tiếp tục tăng trong 2 tháng tới.

Tại TP Cần Thơ, tính đến ngày 14/7/2014, có 579 ca mắc tay chân miệng, không có ca tử vong; 189 ca mắc SXH, không có ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2013, số ca mắc SXH giảm 67 ca, nhưng số ca mắc tay chân miệng tăng 89 ca. Trong 5 tháng đầu năm TP Cần Thơ đã ghi nhận 4 ca viêm não Nhật Bản B trong khi năm 2013 không có ca mắc.

Qua báo cáo tình hình các bệnh đang lưu hành và phân tích điều kiện thời tiết, GS. TS. Nguyễn Thanh Long, Thứ Trưởng Bộ Y tế, cảnh báo tại hội nghị sơ kết: “Dịch bệnh đang diễn tiến phức tạp, khó lường tại 20 tỉnh, thành khu vực phía Nam. Khả năng các tỉnh, thành phải đối phó với nguy cơ dịch chồng dịch là rất cao nếu công tác chống dịch, tiêm chủng không được thực hiện triệt để, hiệu quả”.   

* Thay đổi cách làm để nâng cao hiệu quả dự phòng

Báo cáo tham luận của Trung tâm Y tế dự phòng một số tỉnh được trình bày tại hội nghị sơ kết đã nêu rõ sự diễn biến phức tạp, kéo dài của SXH, tay chân miệng. Qua đó, các đại biểu cũng phân tích những nguyên nhân khách quan, chủ quan làm một số bệnh có số ca mắc tăng cao so với cùng kỳ. Tại tỉnh Bình Dương, dịch SXH đang diễn ra nặng nề, với trên 600 ca mắc, tăng 30% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả giám sát của cán bộ y tế dự phòng tuyến tỉnh về công tác xử lý môi trường trong chiến dịch chưa đạt hiệu quả cao, chưa ghi nhận tỷ lệ hộ dân có vật chứa nước có lăng quăng. Báo cáo của tỉnh Bình Dương cũng phân tích, đa số dụng cụ chứa nước là vật dụng linh tinh, nhỏ quanh nhà dân nhưng khó xử lý vì các hộ dân thường xuyên đóng cửa.

w_bai nguy co dich benh tan cong_1885 .jpg
Tiêm ngừa để phòng bệnh viêm não Nhật Bản B.

Tỉnh Đồng Nai cũng gặp khó khăn trong việc xử lý các vật dụng chứa nước do đa phần các hộ dân này là công nhân, phải làm theo ca nên vắng nhà trong những đợt vận động tổng vệ sinh môi trường. Tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu dịch SXH tăng cao, kéo dài là do sự chậm trễ trong cấp kinh phí mua hóa chất nên không thể can thiệp, xử lý sớm ổ dịch. Tỉnh này cũng có hơn 40% hộ dân đóng cửa đi vắng trong các đợt phun hóa chất. Bộ Y tế cũng nhận định nhiều năm trước SXH “hoành hành” chủ yếu ở các tỉnh khu vực miền Tây Nam Bộ nhưng hiện nay, bệnh đang “dịch chuyển” và phát triển mạnh sang các tỉnh miền Đông như: Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai,... Các tỉnh, thành này có chung các yếu tố như: tốc độ đô thị hóa nhanh, xuất hiện nhiều công trình xây dựng, dân di biến động nhiều, nhà ở tạm cho công nhân chật chội, vệ sinh môi trường kém... làm SXH lây lan nhanh hơn, khó khăn cho công tác vận động, xử lý ổ dịch, môi trường. Một vấn đề còn tồn tại ở nhiều tỉnh, thành là chưa có sự thống nhất trong báo cáo dịch giữa các đơn vị y tế, có sự chênh lệch giữa báo cáo dịch trong tuần và trong tháng làm ảnh hưởng đến công tác xử lý ca bệnh.
 
Qua phân tích một số nguyên nhân nổi bật làm ảnh hưởng đến hiêu quả công tác phòng chống dịch, PGS. TS Trần Đắc Phu, Cục Trưởng Cục Y tế dự phòng yêu cầu các Sở Y tế phải thống nhất về báo cáo dịch sao cho các đơn vị y tế dự phòng cập nhật kịp thời thời, xử lý sớm ca bệnh. PGS. TS. Trần Đắc Phu cũng đề nghị các tỉnh, thành nên xem lại trong quá trình xử lý ổ dịch có hay không sự tham gia của chính quyền địa phương và nhất thiết phải có sự tham gia, chỉ đạo của chính quyền địa phương để nâng cao hiệu quả trong công tác vận động đổ bỏ lăng quăng, xử lý môi trường. Ngoài ra, một số đại biểu cũng đưa ra nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng chống dịch như: trong công tác phòng chống SXH phải ưu tiên biện pháp diệt lăng quăng lên hàng đầu, phun hóa chất trên diện rộng nếu có vùng dịch “nóng”; đối với bệnh tay chân miệng cần tuyên truyền rộng rãi, liên tục trên các phương tiện thông tin đại chúng và trường học; công tác chống dịch nên tiến hành ngay từ đầu năm; tăng cường tiêm chủng đối với bệnh viêm não Nhật Bản B; truyền thông phòng chống dịch bệnh thường xuyên, liên tục, không đợi khi có dịch mới tuyên truyền…  
  
 Kết luận hội nghị, thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, đã chỉ đạo: “Trong các tháng cuối năm, ngành Y tế các tỉnh, thành trong khu vực phải đặt công tác phòng chống dịch thành nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Lãnh đạo ngành phải quyết liệt chỉ đạo triển khai các hành động chống dịch, đầu tư kinh phí, tham mưu lãnh đạo địa phương để huy động toàn xã hội cùng tham gia. Công tác chống dịch phải thực hiện một cách chủ động và đạt hiệu quả hơn. Các tỉnh phải thay đổi cách làm trong hoạt động tiêm chủng mở rộng sao cho phù hợp với tình hình dịch bệnh hiện tại. Đặc biệt, các tỉnh, thành phải triển khai tiêm ngừa viêm não Nhật Bản B ngay trong tháng 7/2014. Hoạt động chống dịch và đầu tư kinh phí cho chống dịch cần được thực hiện một cách chủ động, ngay từ đầu năm, tránh tình trạng dịch qua rồi mới có kinh phí...”
Bài, ảnh: Lê Anh




Đường dây nóng




Số lượng truy cập