Thứ Sáu, ngày 29-03-2024 Trang chủ| Liên hệ| Góp ý| Sơ đồ   [Đăng nhập]
Tìm kiếm
ĐƯỜNG DÂY NÓNG

 

Hồ sơ công việc
 
 
 
Tin hoạt động Ngành
Thừa hay thiếu dinh dưỡng đều không tốt cho sức khỏe của trẻ
[ Cập nhật vào ngày (30/07/2014) ] - [ Số lần xem: 622 ]

Dinh dưỡng đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển trong những năm đầu đời của trẻ. Cung cấp cho trẻ chế độ dinh dưỡng cân đối, hợp lý sẽ giúp trẻ phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn trí tuệ. Việc thừa hay thiếu dinh dưỡng đều không tốt cho sức khỏe và sự phát triển bình thường của trẻ.


w_bai thua hay thieu dinh duong deu gay he luy cho tre_2116.jpg
Theo dõi cân nặng, chiều cao của trẻ để có điều chỉnh dinh dưỡng thích hợp. ảnh: L.Y

Theo số liệu thống kê về tình trạng dinh dưỡng trẻ em năm 2013 của Viện dinh dưỡng Quốc Gia thì tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em thể nhẹ cân là 15,3%, thể thấp còi là 25,9%. Tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ em Việt Nam đang được cải thiện dần qua các năm. Tuy nhiên, tỷ lệ này vẫn còn cao là do chế độ dinh dưỡng, đặc biệt là trong 1.000 ngày đầu đời (thời gian mẹ mang thai và 2 năm đầu đời của trẻ) chưa được quan tâm đúng mức; kiến thức thực hành chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ của các bậc phụ huynh chưa hợp lý, thiếu tính khoa học; kiến thức phòng và chữa bệnh của người chăm sóc trẻ còn nhiều hạn chế...

Suy dinh dưỡng ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển về thể chất lẫn trí tuệ đối với trẻ nhỏ. Trẻ suy dinh dưỡng có nguy cơ bị nhiễm trùng thường xuyên dẫn đến tăng nguy cơ mắc bệnh và tử vong sớm ở trẻ. Ngoài ra, suy dinh dưỡng còn ảnh hưởng đến chiều cao, khả năng lao động sản xuất và gia tăng các bệnh mãn tính khi trẻ trưởng thành. Thấp còi là hậu quả không thể thay đổi được do tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng thường xuyên trong suốt 2 năm đầu đời của trẻ.

Ngày nay, khi điều kiện kinh tế phát triển, đời sống người dân ngày càng nâng cao, tình trạng thiếu thực phẩm không còn là vấn đề nghiêm trọng nữa. Tuy nhiên, tỷ lệ suy dinh dưỡng và thiếu vi chất dinh dưỡng ở trẻ vẫn còn cao song hành với tình trạng trẻ thừa cân, béo phì cũng đang gia tăng, đặc biệt là ở các thành phố lớn. Nguyên nhân phần lớn là do chế độ dinh dưỡng cung cấp cho trẻ mất cân đối, sử dụng không hợp lý các dưỡng chất trong khẩu phần.

Hậu quả của việc thừa dinh dưỡng cũng không kém trình trạng thiếu dinh dưỡng. Thừa dinh dưỡng sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của trẻ và có thể làm trẻ ngừng tăng trưởng sớm. Chiều cao của trẻ thừa cân béo phì trước dậy thì thường cao hơn so với tuổi nhưng khi trưởng thành thì chiều cao lại có xu hướng thấp hơn so với tuổi. Trẻ thừa cân béo phì sau này dễ mắc các bệnh mạn tính không lây như tăng huyết áp, tim mạch, đái tháo đường, rối loạn lipid máu,… Về tâm lý, trẻ dễ mặc cảm tự ti, hay bị bạn bè trêu chọc, khó hòa nhập với cộng đồng, kết quả học tập giảm. Mặt khác, chi phí dịch vụ y tế tốn kém ảnh hưởng đến kinh tế gia đình và xã hội.

Để khắc phục thực trạng này, cần tập trung đến chế độ dinh dưỡng của sản phụ và trẻ em trong 2 năm đầu đời. Đây là giai đoạn được xem như là nền tảng, quyết định phần lớn sức khỏe thể chất và tinh thần của cả một đời người.   Chăm sóc dinh dưỡng cho bà mẹ mang thai sẽ giúp cho thai nhi phát triển đầy đủ. Yếu tố nguy cơ dẫn đến trẻ sơ sinh có cân nặng thấp là tình trạng dinh dưỡng kém của người mẹ trước khi có thai và chế độ ăn không cân đối, không đầy đủ chất dinh dưỡng khi mang thai. Chăm sóc dinh dưỡng tốt cho trẻ trong khoảng thời gian từ 6-24 tháng tuổi sẽ cải thiện được chiều cao của trẻ.

“Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”, các bậc phụ huynh cần hết sức quan tâm đến chế độ dinh dưỡng cho trẻ. Chế độ ăn uống khoa học, phương pháp chăm sóc và bổ sung dinh dưỡng đúng cách có vai trò rất quan trọng quyết định sự phát triển toàn diện cho trẻ. Cung cấp cho trẻ đa dạng các loại thực phẩm; cân đối, hợp lý thành phần các chất dinh dưỡng trong khẩu phần; đảm bảo hợp vệ sinh và chế biến phù hợp với trẻ. Việc thiếu hụt hay dư thừa hoặc mất cân đối giữa các thành phần dưỡng chất trong chế độ ăn uống sẽ ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe của trẻ. Ngoài ra, cần thường xuyên theo dõi sự tăng trưởng của trẻ ở mọi lứa tuổi thông qua các chỉ số cân nặng, chiều cao nhằm phát hiện sớm và có sự điều chỉnh thích hợp, tránh để trẻ suy dinh dưỡng hoặc thừa cân, béo phì.
ThS.BS Lưu Thị Nhất Phương - Trưởng khoa Dinh dưỡng – Vật lý trị liệu - Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ




Đường dây nóng




Số lượng truy cập