Thứ Sáu, ngày 19-04-2024 Trang chủ| Liên hệ| Góp ý| Sơ đồ   [Đăng nhập]
Tìm kiếm
ĐƯỜNG DÂY NÓNG

 

Hồ sơ công việc
 
 
 
Tin hoạt động Ngành
Tích cực thực hiện Đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam”
[ Cập nhật vào ngày (12/07/2019) ] - [ Số lần xem: 1617 ]
Hội thi Tuyên truyền
Hội thi Tuyên truyền "Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam" ngành Y tế - Khu vực V do Sở Y tế Cần Thơ tổ chức năm 2014. Ảnh: Duy Lê

Hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Sở Y tế TP Cần Thơ đã triển khai thực hiện Đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam” của Bộ Y tế. Qua đó, khuyến khích các cơ sở y tế, người dân khám chữa bệnh trên địa bàn TP Cần Thơ ưu tiên sử dụng thuốc sản xuất trong nước.

Nhằm nâng cao nhận thức của người dân và cán bộ y tế về việc sử dụng thuốc sản xuất trong nước để điều trị bệnh tại các cơ sở y tế và trong cộng đồng, Bộ trưởng Bộ Y tế đã phê duyệt Đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam” theo Quyết định số 24/QĐ-BYT ngày 3/12/2012. TP Cần Thơ là một trong những thành viên của Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam”, vì thế ngành Y tế đã xây dựng kế hoạch thực hiện đề án và triển khai tích cực đề án đến các cơ sở y tế trên địa bàn và các tầng lớp Nhân dân qua các kênh thông tin, truyền thông khác nhau.

Theo đó, ngành Y tế TP Cần Thơ xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam” từng năm bằng nhiều hoạt động thiết thực. Cụ thể, Sở Y tế giao Giám đốc các bệnh viện chỉ đạo ưu tiên dùng thuốc sản xuất trong nước đáp ứng yêu cầu điều trị thay thế thuốc ngoại nhập ngay từ khâu xây dựng danh mục sử dụng của đơn vị và danh mục thuốc trong kế hoạch đấu thầu mua hằng năm, đảm bảo tỷ lệ sử dụng thuốc nội tại cơ sở năm sau cao hơn năm trước và đạt trên 50% tổng giá trị tiền thuốc. Đưa các chỉ tiêu này vào phong trào thi đua, đánh giá, xếp loại bệnh viện, đề xuất các hình thức khen thưởng, động viên kịp thời. Bên cạnh đó, đẩy mạnh hoạt động công tác dược lâm sàng trong sử dụng thuốc tại bệnh viện như: bình đơn thuốc, bình bệnh án để đưa ra các giải pháp thay thế và sử dụng thuốc hợp lý. Tổ chức các hội nghị chuyên đề tại các cơ sở điều trị, giới thiệu thuốc sản xuất trong nước để thông tin đầy đủ hơn về thuốc nội đến cán bộ nhân viên ngành Y tế. Tổ chức cho cán bộ quản lý, bác sĩ điều trị đi thực tế tham quan các nhà máy sản xuất thuốc trong nước đạt chuẩn “Thực hành tốt sản xuất thuốc” (GMP) để có đánh giá đúng hơn về chất lượng thuốc nội.

THUOCVIET02-w.jpg

Sở Y tế kiểm tra các cơ sở kinh doanh thuốc trên địa bàn thành phố. Ảnh: H.G

Phòng Nghiệp vụ Dược tham mưu Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị trực thuộc trong việc lựa chọn danh mục thuốc sử dụng tại đơn vị, ưu tiên thuốc sản xuất trong nước, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để đảm bảo sử dụng thuốc hợp lý, an toàn, hiệu quả. Trong công tác đấu thầu thuốc, cùng một loại thuốc nếu có nhiều tên thương mại trúng thầu thì phải ưu tiên dùng thuốc sản xuất trong nước.

Dược Sĩ Phan Khắc Hoàng, Trưởng Phòng Nghiệp vụ Dược, Sở Y tế TP Cần Thơ, cho biết: "Để thuyết phục người tiêu dùng, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuốc phải không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, đầu tư công nghệ sản xuất hiện đại, tích cực tìm hiểu các công nghệ kỹ thuật bào chế mới để cải tiến chất lượng sản phẩm; cải tiến mẫu mã, bao bì thuốc đẹp, đảm bảo thẩm mỹ cũng như chất lượng bảo quản thuốc tốt. Các doanh nghiệp phải chủ động đầu tư nghiên cứu khoa học, sản xuất các thuốc chuyên khoa, đặc trị, chú trọng thử tương đương sinh học, thử nghiệm lâm sàng các thuốc. Xúc tiến các hoạt động marketing trong kinh doanh, nâng cao năng lực đội ngũ thông tin, giới thiệu thuốc cho cán bộ y tế và người dân, khuyến mãi bán hàng, quảng cáo, chăm sóc khách hàng… để thuốc sản xuất trong nước dễ dàng tiếp cận khách hàng".

Năm 2018, tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước (tính trên tổng số tiền mua) tại các cơ sở điều trị đạt trên 55% (tại cơ sở y tế tuyếnquận/huyện: đạt 76,11% và tại cơ sở y tế tuyến thành phố: đạt 49,88%) ; kết quả này đạt và vượt chỉ tiêu Sở Y tế đã đề ra là năm 2018 toàn thành phố đạt 50% sử dụng thuốc sản xuất trong nước (tuyến thành phố đạt trên 44%, tuyến quận/huyện đạt trên 76%).

Tuy nhiên, theo ngành Y tế, việc sử dụng thuốc của người dân và sự kê đơn thuốc của người hành nghề khám, chữa bệnh ngoài công lập vẫn là điều đáng quan tâm. Nhiều người tiêu dùng vẫn còn tư tưởng chuộng hàng ngoại nhập. Khi tư vấn, nhiều quầy thuốc, nhà thuốc tư nhân cũng chú trọng giới thiệu thuốc ngoại hơn, trong khi giá cả của các mặt hàng thuốc ngoại là khá cao so với thuốc nội. Dược sĩ Phan Khắc Hoàng cho biết: Sở đã đề ra chỉ tiêu năm 2019 toàn thành phố đạt 52% sử dụng thuốc sản xuất trong nước (tuyến thành phố đạt trên 46%, tuyến quận/huyện đạt trên 78%) và năm 2020 toàn thành phố đạt 54% sử dụng thuốc sản xuất trong nước (tuyến thành phố đạt trên 48%, tuyến quận/huyện đạt trên 80%)". Để thúc đẩy việc ưu tiên sử dụng thuốc Việt Nam, cần tăng cường hơn nữa việc kiểm tra, giám sát, xử phạt nặng các loại thuốc ngoại nhập lậu, thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ; đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho các chủ quầy thuốc, nhà thuốc trong việc cung cấp, bày bán các mặt hàng thuốc nội, góp phần vào thực hiện hiệu quả của đề án.

Đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam” được xem là tiền đề để dần làm thay đổi nhận thực kê đơn của thầy thuốc và thói quen, sử dụng thuốc của mỗi người, mỗi gia đình theo tinh thần thúc đẩy các công ty sản xuất dược phẩm trong nước sản xuất được nhiều mặt hàng thuốc đạt chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, tiết kiệm cho ngân sách nhà nước, giảm gánh nặng về kinh tế cho người dân trong điều trị và đặc biệt là giảm lệ thuộc vào thuốc ngoại nhập.

Đỗ Quyên




Đường dây nóng




Số lượng truy cập