Thứ Bảy, ngày 20-04-2024 Trang chủ| Liên hệ| Góp ý| Sơ đồ   [Đăng nhập]
Tìm kiếm
ĐƯỜNG DÂY NÓNG

 

Hồ sơ công việc
 
 
 
Tin hoạt động Ngành
Ung thư phổi: dấu hiệu nhận biết và cách phòng tránh
[ Cập nhật vào ngày (17/10/2017) ] - [ Số lần xem: 1204 ]
TS.BS Võ Văn Kha, Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP Cần Thơ (trái) tại buổi tọa đàm khoa học “Ung thư không phải là dấu chấm hết” được tổ chức tại Bệnh viện Ung bướu TP Cần Thơ
TS.BS Võ Văn Kha, Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP Cần Thơ (trái) tại buổi tọa đàm khoa học “Ung thư không phải là dấu chấm hết” được tổ chức tại Bệnh viện Ung bướu TP Cần Thơ

Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, tại Việt Nam, vào năm 2000, có 6.905 trường hợp mắc mới ung thư phổi. Trong đó, có 62,5% tỉ lệ bệnh nhân ung thư phổi tìm đến các trung tâm y tế khi bệnh đã tiến triển đến giai đoạn khá muộn và không còn khả năng phẫu thuật. Đến năm 2013, có hơn 20.000 trường hợp mới được xác định mắc phải căn bệnh ung thư phổi nguy hiểm. Chỉ trong vòng 3 năm, tỉ lệ mắc mới ung thư phổi đã tăng cao gấp gần 4 lần.

Ung thư phổi là căn bệnh ung thư phổ biến hiện nay tại Việt Nam và ngày càng có xu hướng tăng nhanh ở những người trẻ tuổi. Tuy nhiên, người bệnh chỉ phát hiện khi bệnh chuyển biến nặng. Nhằm giúp cập nhật kiến thức cần thiết để phát hiện sớm và phòng tránh bệnh hiệu quả, chúng tôi có cuộc trao đổi với TS.BS Võ Văn Kha, Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP Cần Thơ để hiểu rõ hơn về căn bệnh này.

UNG THU PHOI CO THE PHONG TRANH_UTP 2.jpg

Một bệnh nhân ung thư phổi đang được bác sĩ khám bệnh tại Bệnh viện Ung bướu TP Cần Thơ.

* Thưa tiến sĩ, những nguyên nhân nào chủ yếu gây ra ung thư phổi?

- Hút thuốc là nguyên nhân chính của ung thư phổi, trong nhóm người hút thuốc điếu thì nhóm người hút trên hai gói mỗi ngày có nguy cơ chết vì ung thư phổi nhiều gấp 30 lần so với người thường. Khoảng 90% ung thư phổi có liên hệ thuốc lá. Trong thuốc lá có hơn 200 chất hoá học gây hại cho sức khoẻ, trong đó có trên 60 chất gây ung thư phổi. Khi hút thuốc, khói thuốc lá có chứa chất gây ung thư kích hoạt các chất sinh ung thư gây xáo trộn tế bào niêm mạc phế quản phổi, gây ra sự thay đổi về chức năng và cấu trúc của phế quản, phế nang của phổi, các tế bào bị tổn thương, dần dần sẽ gây ra hiện tượng đột biến ADN, gây tân sinh bất thường tế bào và tạo thành những tế bào ung thư. Qua thời gian, những tế bào phát triển số lượng nhiều thành khối ung thư. Ngoài ra một số yếu tố khác cũng góp phần tăng nguy cơ ung thư phổi như: những người bệnh mắc bệnh phổi mãn tính, người thân trong gia đình có tiền sử mắc bệnh ung thư phổi và người bệnh có hệ miễn dịch kém, ăn uống nhiều thực phẩm chứa quá nhiều dầu mỡ, thực phẩm đông lạnh; bệnh cũng có liên quan với thói quen hút thuốc lá thụ động, uống rượu bia nhiều, sống trong môi trường nhiều khói bụi …

*Tiến sĩ có thể nói rõ hơn về những dấu hiệu cảnh báo ung thư phổi mà người bệnh cần phải lưu ý?

- Giai đoạn đầu ung thư phổi triệu chứng cũng không điển hình, dễ nhầm lẫn với các bệnh lý thông thường khác như cảm ho hay đau ngực… Khi bệnh nhiều hơn, các triệu chứng có thể gặp như ho dai dẳng kéo dài, cảm giác nặng ngực, thở thấy nặng. Về lâu càng xấu hơn, đau vai, đau lưng thường xuyên, thở nặng hơn, ho ra máu, hơi thở ngắn đi, khàn tiếng, đàm dính máu, phù mặt cổ, khó thở…    

Dấu hiệu đau ngực, dùng thuốc giảm đau vẫn không khỏi, đau ngày càng tăng. Có đến khoảng 70% các trường hợp khó thở, ho ra máu, viêm phổi tái diễn, đau ngực; có thể kèm triệu chứng khàn tiếng, do khối bướu xâm lấn trực tiếp hay do các hạch bạch huyết ở trung thất bị di căn và làm liệt dây thanh âm. Đó là các dấu hiệu quan trọng nhất. Khi bướu ở tại đỉnh phổi, hiện tượng xâm lấn vào thành ngực và mạng thần kinh cánh tay gây đau cánh tay và đau vai kèm dị cảm da. Sụt cân là một dấu hiệu thường thấy, khi bị ung thư, người ta thường chán ăn, sức khỏe suy giảm, thậm chí có sốt kéo dài.  

Ở giai đoạn 1, khối u còn nhỏ, còn khu trú, khả năng phẫu thuật cắt bỏ được rộng rãi, sau khi phẫu thuật xong có các phương pháp khác hỗ trợ thêm, như hóa trị, xạ trị… thì tỉ lệ sống thêm 5 năm đạt từ 75-80%. Đến giai đoạn 2, giai đoạn 3, tỉ lệ này giảm xuống còn 50%, 40%. Ở giai đoạn 4, ung thư đã di căn, lan ra xung quanh, tỉ lệ sống thêm rất thấp, chỉ từ 1-2%.

* Thưa tiến sĩ, bệnh ung thư phổi có thể phòng tránh được không? Ngoài việc tránh xa khói thuốc lá, còn có cách nào ngăn ngừa nguy cơ ung thư nói chung và bệnh ung thư phổi nói riêng?

- Bệnh ung thư phổi có thể phòng tránh được. Ung thư phổi có một loạt yếu tố nguy cơ. Ngoài nguy cơ chủ đạo là khói thuốc lá thì các yếu tố nguy cơ gây bệnh ung thư nói chung, ung thư phổi nói riêng là chế độ ăn uống, chế độ bảo quản thực phẩm, sự phơi nhiễm các chất độc hại, tình trạng ô nhiễm không khí, ô nhiễm môi trường…

Nếu chúng ta có chế độ ăn lành mạnh, hạn chế ăn các loại thực phẩm có chất bảo quản, hạn chế phơi nhiễm… thì nguy cơ cũng giảm đi. Những đối tượng có nguy cơ cao, nhất là có hút thuốc lá, cần chụp X-quang phổi định kỳ mỗi năm. Nếu có các biểu hiện ho kéo dài, đau ngực không rõ nguyên nhân, ho ra máu…cần đi khám bác sĩ ngay nhằm xác định chính xác nguyên nhân để điều trị triệt để. Nếu làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất có nhiều bụi, khói, phải thực hiện các biện pháp chống bụi, khói; trang bị các phương tiện bảo vệ như khẩu trang, mặt nạ chống độc…

Ngoài ra, tập luyện thể dục, thể thao thường xuyên có thể hữu ích trong phòng ngừa ung thư phổi. Kể cả các hoạt động đơn giản như làm vườn hai lần/1 tuần có thể giúp bạn giảm nguy cơ mắc bệnh; bổ sung nhiều rau xanh, hoa quả tươi, ăn các loại rau đa dạng nhiều màu sắc khác nhau như súp lơ, rau chân vịt, hành, táo, cà chua, cam... Những thực phẩm này không chỉ có thể phòng bệnh hiệu quả mà còn rất tốt cho những bệnh mạn tính như cao huyết áp, tiểu đường… Đối với những công nhân làm việc trong môi trường rò rỉ hóa chất cũng phải áp dụng những biện pháp bảo hộ hiệu quả, tránh hoặc giảm tối thiểu việc tiếp xúc với những yếu tố độc hại gây ung thư.

Xin cảm ơn tiến sĩ

Thúy Duy (thực hiện)




Đường dây nóng




Số lượng truy cập