Thứ Bảy, ngày 20-04-2024 Trang chủ| Liên hệ| Góp ý| Sơ đồ   [Đăng nhập]
Tìm kiếm
ĐƯỜNG DÂY NÓNG

 

Hồ sơ công việc
 
 
 
Tin hoạt động Ngành
Khuyến nghị dinh dưỡng trong 1.000 ngày đầu đời
[ Cập nhật vào ngày (16/10/2017) ] - [ Số lần xem: 676 ]
Một hộ dân ở phường An Nghiệp, quận Ninh Kiều tận dụng diện tích nhỏ tại nhà trồng rau sạch và nuôi cá để nguồn thực phẩm sẵn có, an toàn cho trẻ nhỏ và các thành viên trong gia đình
Một hộ dân ở phường An Nghiệp, quận Ninh Kiều tận dụng diện tích nhỏ tại nhà trồng rau sạch và nuôi cá để nguồn thực phẩm sẵn có, an toàn cho trẻ nhỏ và các thành viên trong gia đình

Tại hội nghị khoa học Tiêu hóa Gan mật - Dinh dưỡng nhi khoa toàn quốc lần thứ V - năm 2017 được tổ chức vào tháng 7 vừa qua ở TP Cần Thơ, Hội Nhi khoa và Hội Sản Phụ khoa Việt Nam phối hợp với Viện Dinh dưỡng đã ban hành tài liệu hướng dẫn: “Khuyến nghị dinh dưỡng trong 1.000 ngày đầu đời” nhằm cung cấp những thông tin hữu ích trong việc nâng cao chất lượng dinh dưỡng và chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ, trẻ em. Hướng dẫn được biên soạn bởi các chuyên gia giáo sư, bác sĩ đầu ngành của cả nước trong lĩnh vực dinh dưỡng, sản phụ khoa, nhi khoa.

Theo các bác sĩ, 1.000 ngày đầu đời của trẻ được tính từ khi bà mẹ bắt đầu mang thai cho đến khi trẻ được 2 tuổi. Đây là giai đoạn rất quan trọng vì là thời kỳ hình thành thai nhi, cũng là thời kỳ cơ thể trẻ em tăng trưởng và phát triển rất nhanh. Dinh dưỡng đúng và đủ trong giai đoạn này không những bảo vệ sức khỏe cho bà mẹ và trẻ em mà còn giúp trẻ phát triển tốt về thể chất, trí tuệ, tạo nền tảng vững chắc cho sức khỏe và hạnh phúc trong tương lai.

Giai đoạn 1.000 ngày đầu đời tuy là quãng thời gian ngắn nhưng có ảnh hưởng sâu sắc đến suốt cuộc đời. Ở thời kỳ này, sức khỏe và tình trạng dinh dưỡng của trẻ và bà mẹ có liên hệ mật thiết nhất. Do đó, các bà mẹ cần chú ý đến việc chăm sóc dinh dưỡng trong giai đoạn này như sau:

Trong thời kỳ mang thai:

Phụ nữ mang thai nên lên kế hoạch cho từng bữa ăn và sử dụng tháp dinh dưỡng để lựa chọn thực phẩm hằng ngày một cách khoa học; cân bằng giữa các chất đạm, chất bột đường, chất béo, chất xơ, vitamin và chất khoáng.

Chế độ ăn nên bao gồm nhiều loại thức ăn đa dạng, như: trái cây tươi, ngũ cốc, các loại đậu, rau, cơm, cá, trứng, thịt, dầu, các loại hạt, sữa và các sản phẩm từ sữa; nên ăn thường xuyên và đầy đủ số lượng thực phẩm để đáp ứng đầy đủ nhu cầu dinh dưỡng; uống 1,5-2 lít nước/mỗi ngày, sử dụng muối i-ốt; tránh uống rượu, không hút thuốc lá; bổ sung vi chất dinh dưỡng theo chỉ định của bác sĩ. Bên cạnh đó, các bà mẹ cũng nên dành thời gian hoạt động ngoài trời mỗi ngày để tổng hợp vitamin D; tập thể dục nhẹ nhàng, đi bộ, giúp phòng ngừa tăng cân quá mức, táo bón…

Thời kỳ trẻ từ lúc mới sinh đến 2 tuổi

Với trẻ sơ sinh, sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tuyệt vời nhất, giúp trẻ tăng trưởng tối ưu, phát triển trí não và tăng cường miễn dịch. Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo nên cho trẻ bú sớm ngay sau sinh và bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Những trẻ bú mẹ hoàn toàn sẽ giảm nguy cơ mắc các bệnh tiêu chảy, nhiễm trùng tai, bệnh lý mũi họng, viêm phổi; nên cho trẻ bú mẹ thường xuyên, liên tục, cả ngày lẫn đêm theo nhu cầu của trẻ, ít nhất là 8 lần mỗi ngày.

Trong thời gian cho con bú, bà mẹ cũng lưu ý cần có chế độ ăn cân bằng, ăn ít nhất 4 bữa/ngày để đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng cho bà mẹ và giúp trẻ tăng trưởng phát triển tốt, đảm bảo đầy đủ dưỡng chất bé nhận được thông qua sữa mẹ.

Chế độ ăn cho bà mẹ nuôi con bú 6 tháng đầu theo nguyên tắc sau: Năng lượng: 2.600-2.700 Kcal/ngày; protein: 13-20% tổng năng lượng (79g); chất béo 20-30% tổng năng lượng (56-67g); chất xơ: 29g/ngày, chú ý chất xơ hòa tan; nước: 2-2,5 lít/ngày; đủ yếu tố vi lượng và vitamin (nhóm A, B, C, D, E); không sử dụng chất kích thích; số bữa ăn: 4 bữa/ngày. Uống 1 liều vitamin A 200.000 IU trong vòng 1 tháng sau sinh.

Khi trẻ tròn 6 tháng, để đáp ứng được nhu cầu phát triển của cơ thể, trẻ cần được cho ăn dặm để bổ sung chất dinh dưỡng đầy đủ và an toàn trong khi vẫn tiếp tục bú mẹ tối đa. Sữa mẹ trong giai đoạn này vẫn rất quan trọng vì cung cấp tới 60-70% nhu cầu năng lượng cho trẻ. Ngoài ra, sữa mẹ vẫn là nguồn cung cấp chủ yếu các axit béo thiết yếu và một lượng lớn các vi chất dinh dưỡng. Sữa mẹ đặc biệt quan trọng lúc trẻ bị bệnh, khi mà trẻ không muốn ăn hầu hết các thức ăn bổ sung nhưng vẫn duy trì bú mẹ. Tiếp tục cho trẻ bú mẹ thường xuyên không những bảo vệ trẻ mà còn giúp bà mẹ chậm mang thai, và giúp giảm nguy cơ mắc bệnh và tử vong ở những trẻ có hoàn cảnh khó khăn.

Về thức ăn dặm cho trẻ từ 6-12 tháng tuổi, bà mẹ có thể chế biến tại nhà từ nguồn thực phẩm dinh dưỡng có sẵn ở địa phương. Chế biến bột, cháo ăn dặm cho trẻ với: bột gạo, bột ngũ cốc dinh dưỡng, gạo; thịt (gà, heo, bò) hoặc cá, tôm, cua, trứng, đậu phụ băm hoặc nghiền nhỏ; rau xanh nghiền hoặc băm nhỏ như: rau ngót, bí đỏ, cà rốt, rau cải, rau muống, bắp cải, su hào; 6-10ml mỡ hoặc dầu ăn. Tăng dần độ đặc và tính đa dạng của thức ăn, số lượng bữa và lượng ăn mỗi bữa để phù hợp với sự lớn lên của trẻ, đáp ứng nhu cầu và khả năng tiêu hóa. Ngoài thức ăn chế biến tại nhà, bà mẹ cũng có thể cho trẻ ăn bổ sung bằng bột ngũ cốc dinh dưỡng chế biến sẵn của các công ty uy tín trên thị trường để đảm bảo cung cấp đầy đủ vi chất dinh dưỡng. Thực hành vệ sinh tốt, chế biến, xử lý thực phẩm thích hợp, an toàn.

Đối với trẻ từ 12-24 tháng, tiếp tục cho trẻ bú mẹ (nhưng lưu ý không nên cho trẻ bú trước bữa ăn 2 giờ); đồng thời cho trẻ ăn phối hợp các loại thức ăn: cháo đặc, cơm nát hoặc bún phở, mỳ với thịt (gà, heo, bò) hầm nhừ, băm nhỏ hoặc tôm, cá, trứng… và rau xanh, thêm chút mỡ/dầu ăn. Cho trẻ ăn 3 bữa/ngày, ít nhất 1 chén/bữa; ăn thêm trái cây có sẵn ở địa phương như: chuối, cam, xoài, đu đủ…

Việc quan tâm chăm sóc dinh dưỡng tốt trong 1.000 ngày đầu đời có ý nghĩa rất quan trọng, giúp giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, cải thiện sự tăng trưởng, phát triển về thể chất, tinh thần cho trẻ em, nâng cao chất lượng cuộc sống.

H.Ân (tổng hợp theo Tài liệu “Khuyến nghị dinh dưỡng trong 1.000 ngày đầu đời”)




Đường dây nóng




Số lượng truy cập