Thứ Năm, ngày 25-04-2024 Trang chủ| Liên hệ| Góp ý| Sơ đồ   [Đăng nhập]
Tìm kiếm
ĐƯỜNG DÂY NÓNG

 

Hồ sơ công việc
 
 
 
Tin hoạt động Ngành
Bệnh tay chân miệng - không nên lơ là
[ Cập nhật vào ngày (19/06/2017) ] - [ Số lần xem: 4320 ]
Các mụn nước nổi ở tay chân miệng của em bé.
Các mụn nước nổi ở tay chân miệng của em bé.

Theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng TP Cần Thơ, đến ngày 05/6/2017, toàn thành phố có 327 ca mắc bệnh tay chân miệng (TCM), tăng 96 ca so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, các quận/huyện có số ca mắc nhiều nhất là: Ninh Kiều, Phong Điền và Bình Thủy.

Đưa con điều trị bệnh TCM tại Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ, chị Đặng Thị Kiều Phương, mẹ bé Lê Đặng Triều Dương, 14 tháng tuổi, cho biết: "Trước ngày nhập viện khoảng 5 ngày, bé khó chịu, hay quấy khóc, ngủ ít, sau đó nổi vài mụn nước nhỏ ở bàn tay rồi sau đó lan ra toàn thân, cháu sốt, ói nhiều, bứt rứt không ngủ được, gia đình đưa cháu đến Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ khám rồi nhập viện luôn. Trước đó, ở nhà có đứa cháu 3 tuổi hay chơi chung với bé nhà tôi cũng bị TCM. Nên chắc con mình cũng bị lây.

BỆNH-TAY-CHÂN-MIỆNG-ĐÃ-SỬA_0025.jpg

Bác sĩ đang khám trẻ bị bệnh tay chân miệng đang điều trị tại Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ.

Nằm cùng phòng điều trị nội trú tại Khoa Nhiễm cùng với bé Dương là bé Lê Minh Phú, 12 tháng tuổi. Mẹ bé Minh Phú kể: "Ban đầu bé bị nóng sốt, tay chân có nổi mụn nhỏ, lừ đừ, quấy khóc. Gia đình đưa bé đến bệnh viện gần nhà điều trị nhưng bé vẫn sốt cao, không hạ nên chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ.

Theo các bác sĩ, bệnh TCM gây ra do các loại vi rút thuộc nhóm đường ruột, gồm có Coxsackie, Echoli và các vi rút đường ruột khác, trong đó hay gặp là vi rút đường ruột týp 71 (EV71) và coxsackie A16. Vi rút gây bệnh TCM có thể lây nhiễm từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với dịch mũi, họng, nước bọt, chất dịch từ mụn nước, hoặc phân của người bị nhiễm bệnh.

Bác sĩ Nguyễn Phước Trung, Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ cho biết: "Trong thời gian ủ bệnh, chưa nổi bóng nước, trẻ mang mầm bệnh cũng có thể lây cho những trẻ khác. Gia đình không nên chủ quan với bệnh này ở trẻ vì có trường hợp trẻ bệnh diễn tiến nặng đưa đến bệnh viện trễ do ban đầu gia đình lầm tưởng trẻ bị phát ban, viêm họng thông thường. Lại có trường hợp trẻ chỉ nổi ít bóng nước trong miệng nên nhiều cha mẹ cũng ít chú ý và không phát hiện sớm bệnh”.

Bệnh TCM rất dễ lây lan, đặc biệt ở trẻ dưới 5 tuổi học các trường mầm non, mẫu giáo do trẻ sinh hoạt chung, chưa biết tự giữ gìn vệ sinh. Để tránh lây lan trong trường học, cha mẹ cần cho trẻ nghỉ ở nhà để cách ly; thực hiện vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng (đặc biệt sau khi thay quần áo, tã, sau khi tiếp xúc với phân, nước bọt); rửa sạch đồ chơi, vật dụng, sàn nhà (lau sàn nhà bằng dung dịch khử khuẩn). Gia đình tránh cho trẻ đến nơi tập trung đông người, điều kiện vệ sinh không tốt để chơi vì rất dễ lây bệnh.

Bác sĩ Nguyễn Phước Trung cũng khuyến cáo, khi trẻ có các biểu hiện: sốt cao liên tục trên 2 ngày, đáp ứng kém với thuốc hạ sốt, bứt rứt, ói nhiều, run tay, chân, vã mồ hôi, giật mình,nổi mụn nước ở tay, chân vết loét ở miệng… có thể trẻ diễn tiến nặng, cần đưa đến bệnh viện ngay để bác sĩ theo dõi, điều trị kịp thời. Trong trường hợp trẻ bị bệnh độ I (độ nhẹ) như loét miệng, sốt nhẹ… thì có thể khám, nhận thuốc uống và điều trị tại nhà. Tuy nhiên, người nhà cần theo dõi sát tình trạng bệnh của trẻ, giữ gìn vệ sinh, cho trẻ ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu. Nếu thực hiện vệ sinh tốt cho trẻ, khi bóng nước khô, bong ra, sẽ không để lại sẹo.

Trẻ nhỏ tuổi, cơ thể chưa phát triển hoàn chỉnh, sức đề kháng còn yếu, vì thế, gia đình cần quan tâm chú ý theo dõi sát sức khỏe của trẻ. Khi trẻ bị nổi bóng nước ở miệng, tay, chân, mông, gối, kèm theo sốt nhẹ, cần đưa đến bác sĩ chuyên khoa nhi khám, điều trị kịp thời; tránh tình trạng tự ý mua thuốc cho trẻ uống.

Để tích cực phòng chống, giảm thiểu ảnh hưởng của bệnh TCM đến sức khỏe, đặc biệt là trẻ em, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh như sau:

1. Vệ sinh cá nhân: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.

2. Vệ sinh ăn uống: Thức ăn cho trẻ cần đảm bảo đủ chất dinh dưỡng; ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hằng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.

3. Làm sạch đồ chơi, nơi sinh hoạt: Hộ gia đình, nhà trẻ mẫu giáo, các hộ trông trẻ tại nhà cần thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

4. Thu gom và xử lý chất thải của trẻ: Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân, chất thải của trẻ phải được thu gom, xử lý và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.

5. Theo dõi phát hiện sớm: Trẻ em phải được thường xuyên theo dõi sức khỏe để kịp thời phát hiện, tổ chức cách ly, điều trị các trường hợp mắc bệnh, tránh lây bệnh cho các trẻ khác.

6. Cách ly, điều trị kịp thời khi phát bệnh: Các nhà trẻ, mẫu giáo, nhóm trẻ tập trung và hộ gia đình có trẻ dưới 6 tuổi cần chủ động theo dõi sức khỏe của trẻ để kịp thời phát hiện và đưa ngay đến các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời. Trẻ bị bệnh phải được cách ly ít nhất là 10 ngày kể từ khi khởi bệnh, không cho trẻ có biểu hiện bệnh đến lớp và chơi với các trẻ khác, cách ly và đưa ngay trẻ đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị.


Bài, ảnh:Kim Nhiên




Đường dây nóng




Số lượng truy cập