Thứ Tư, ngày 24-04-2024 Trang chủ| Liên hệ| Góp ý| Sơ đồ   [Đăng nhập]
Tìm kiếm
ĐƯỜNG DÂY NÓNG

 

Hồ sơ công việc
 
 
 
Tin hoạt động Ngành
Cảnh giác phòng bệnh sốt xuất huyết vào mùa mưa
[ Cập nhật vào ngày (29/05/2020) ] - [ Số lần xem: 910 ]
BS.CKI Huỳnh Văn Nhanh, Phó Giám đốc Sở Y tế kiểm tra công tác phòng chống sốt xuất huyết tại huyện Cờ Đỏ. Ảnh: Quỳnh Chi
BS.CKI Huỳnh Văn Nhanh, Phó Giám đốc Sở Y tế kiểm tra công tác phòng chống sốt xuất huyết tại huyện Cờ Đỏ. Ảnh: Quỳnh Chi

Mùa mưa đến, kéo theo nỗi lo về dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) tăng. Trong bối cảnh cả nước, nhất là ngành Y tế đang căng mình chống dịch COVID-19, bên cạnh đó vẫn tiếp tục triển khai tích cực công tác phòng, chống dịch SXH, đề phòng nguy cơ dịch bệnh lây lan, bùng phát, nếu để xảy ra “dịch chồng dịch” sẽ rất nguy hiểm.

* Không chủ quan, lơ là trong phòng bệnh

Bệnh SXH là bệnh lưu hành quanh năm. Tuy nhiên, khi mưa xuống tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi sinh sản và phát triển. Hàng năm, cứ mùa mưa đến thì dịch bệnh lại có chiều hướng gia tăng, dịch thường phát triển mạnh từ tháng 4 đến tháng 10 và đỉnh dịch từ tháng 8 đến tháng 10. Cũng như bệnh COVID-19, bệnh SXH hiện chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu.

Bác sĩ CKI Trần Văn Tuấn, Trưởng Khoa Phòng, chống Bệnh truyền nhiễm - Kiểm dịch y tế quốc tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Cần Thơ, cho biết: khi đẻ trứng, muỗi vằn thường chọn đẻ nơi nước sạch, chúng không đẻ nơi ao tù, nước thải, cống như nhiều người dân nghĩ. Trứng muỗi còn có đặc điểm bám vào thành lu, hũ và có thể tồn tại đến 6 tháng để khô, chỉ cần khi có nước thì lập tức trứng đó phát triển thành lăng quăng rồi thành muỗi. Chính vì tập tính đẻ trứng như vậy nên muỗi truyền bệnh SXH có khả năng sinh sản mạnh và phát triển vào mùa mưa.

“Nhiều người dân nông thôn tích trữ nước mưa trong lu, khạp, nếu không đậy nắp sẽ tạo điều kiện cho muỗi sinh sản. Chưa kể, các vật phế thải, muỗng dừa, lon, chai, lọ, vỏ xe… ở xung quanh nhà cũng thường là nơi chứa đọng nước khi mưa xuống. Chính vì thế, vào mùa mưa, mật độ muỗi tăng, nếu có mầm bệnh thì rất dễ lây lan, người dân không nên chủ quan, lơ là trong phòng bệnh” - bác sĩ Tuấn cho biết thêm.

CANH GIAC SXH VAO MUA MUA 0002.JPG

Nên đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. Ảnh: Nguyệt Hương

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Cần Thơ, tính từ đầu năm 2020 đến 23/5, toàn thành phố ghi nhận 362 ca SXH, giảm 28 ca so với cùng kỳ 2019, không có ca tử vong. Trong đó, 5/9 quận, huyện có số ca mắc SXH giảm, có 4 quận, huyện tăng so với cùng kỳ là Ninh Kiều, Bình Thủy, Thốt Nốt, Vĩnh Thạnh. Các ca bệnh, ổ dịch đều được điều tra, xử lý theo đúng quy định. Trong tháng 6/2020, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Cần Thơ triển khai Kế hoạch Hưởng ứng Ngày ASEAN phòng, chống Sốt xuất huyết 15/6 và Phong trào Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe Nhân dân tại thành phố Cần Thơ năm 2020, nhằm thực hiện Chiến dịch diệt lăng quăng dựa vào cộng đồng trên địa bàn các quận/huyện.

* Thường xuyên diệt lăng quăng

Theo ngành Y tế, dịch như SXH không lây trực tiếp từ người sang người như COVID-19 mà lây qua vector (vật trung gian). Do vậy, khi người dân chủ động tiêu diệt và giảm mật độ vector xuống thì khả năng lây lan sẽ ít hơn.

Người dân cần loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt lăng quăng bằng cách: đậy kín các dụng cụ chứa nước, không cho muỗi vào đẻ trứng; thả cá lia thia vào các dụng cụ chứa nước lớn (bể, giếng, chum, vại...) để diệt lăng quăng; cọ rửa bên trong dụng cụ chứa nước dùng trong sinh hoạt hàng ngày ít nhất 1 lần/tuần; thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà như chai, lọ, mảnh chai, mảnh lu vỡ, vỏ dừa, vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá..., dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến; bỏ muối hoặc dầu cặn vào bát nước kê chân chạn/tủ đựng chén bát, thay nước bình bông hằng ngày.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Cần Thơ khuyến cáo chính quyền địa phương tăng cường vệ sinh môi trường, nhất là các mảnh đất trống, chưa cất nhà ở các khu dân cư. Nơi đây thường bị cỏ mọc, có những vật phế thải. Khi mưa xuống, tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi sinh sản, phát triển.

Bên cạnh đó, người dân có thể phòng chống muỗi đốt bằng cách: mặc quần áo dài tay; ngủ trong mùng kể cả ban ngày; dùng bình xịt diệt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi... Tích cực phối hợp với chính quyền và ngành Y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

Bác sĩ Tuấn lưu ý phụ huynh khi phát hiện trẻ có biểu hiện liên quan đến SXH, cần đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế để được tư vấn khám và điều trị kịp thời. Trường hợp nếu trẻ được bác sĩ chẩn đoán bệnh nhẹ và cho phép chăm sóc tại nhà thì phụ huynh nên chăm sóc trẻ theo hướng dẫn của bác sĩ. Cho trẻ nằm nghỉ ngơi và cho uống nhiều nước, có thể cho uống dung dịch Oresol, nước trái cây càng tốt. Bên cạnh đó, cần cặp nhiệt độ mỗi 4-6 giờ một lần, nếu còn sốt cao thì tiếp tục cho người bệnh uống thuốc hạ sốt. Đặc biệt chú ý không được dùng thuốc hạ nhiệt aspirin, analgin, ibuprofen vì có thể gây tác dụng phụ như xuất huyết. Nên ăn đồ loãng như cháo, súp, sữa. Nếu trẻ có nôn khi uống, cần cho uống lượng nhỏ và nhiều lần. Nên theo dõi liên tục, nếu thấy có bất kỳ dấu hiệu xuất huyết nào hoặc diễn biến nặng hơn (li bì, bứt rứt, vật vã, chân tay lạnh, đau bụng, nôn nhiều) cần đưa trẻ đến ngay bệnh viện.  

Khuyến cáo về phòng chống bệnh SXH

Bệnh sốt xuất huyết đến nay chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả là diệt muỗi, diệt loăng quăng và phòng muỗi đốt. Để tích cực phòng bệnh cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:

Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.

Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.

Hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...

Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.

Tích cực phối hợp với ngành Y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.

Quỳnh Chi




Đường dây nóng




Số lượng truy cập