Thứ Ba, ngày 23-04-2024 Trang chủ| Liên hệ| Góp ý| Sơ đồ   [Đăng nhập]
Tìm kiếm
ĐƯỜNG DÂY NÓNG

 

Hồ sơ công việc
 
 
 
Tin hoạt động Ngành
Bệnh thủy đậu: Chăm sóc chu đáo để phòng biến chứng
[ Cập nhật vào ngày (19/04/2017) ] - [ Số lần xem: 665 ]
Tiêm vắc xin cho trẻ là biện pháp phòng thủy đậu hiệu quả. Ảnh: Kim Nhiên.
Tiêm vắc xin cho trẻ là biện pháp phòng thủy đậu hiệu quả. Ảnh: Kim Nhiên.

Bệnh thủy đậu còn được gọi là bệnh trái rạ, do vi rút Varicella zoster gây ra. Khi mắc bệnh, cơ thể người bệnh sẽ xuất hiện những “nốt rạ” mọc khắp toàn thân hay mọc rải rác trên cơ thể.

Tại thành phố Cần Thơ, số ca mắc thủy đậu ít so với các tỉnh thành khác trong khu vực và trên cả nước. Trong 3 năm gần đây số ca mắc bệnh thủy đậu năm 2014 (11 ca); 2015 (69 ca); 2016 (37 ca) và 3 tháng đầu năm 2017 số ca mắc thủy đậu là 10 ca, chưa có nguy cơ cao.

Thủy đậu là một bệnh nhẹ, song rất cần được chăm sóc chu đáo để không xảy ra biến chứng.

* Nguyên nhân gây bệnh thủy đậu:

Bệnh thủy đậu là do vi rút Varicella – Zoster virus (V-Z vi rút), được tìm thấy trong dịch hầu họng và nước ở các bóng nước. Cơ thể con người là ổ bệnh duy nhất. Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi kể cả trẻ sơ sinh, tuổi thường mắc là lứa từ 2 - 8 tuổi và tuổi đi học; người lớn cũng có khả năng mắc bệnh và bệnh thường nặng hơn. 

Bệnh thủy đậu lây trực tiếp qua đường hô hấp khi bệnh nhân nói, ho, hắt hơi dịch hầu họng và nước bọt bắn ra chung quanh, người lành hít phải sẽ bị lây bệnh. Bệnh cũng có thể lây gián tiếp qua đồ dùng có dính chất tiết dịch hầu họng. Bệnh nhân có thể lây bệnh cho người khác trước 24 giờ đến 7 ngày sau khi xuất hiện bóng nước.

* Biểu hiện của bệnh thủy đậu: Bệnh khởi phát có những biểu hiện như: sốt, đau đầu, đau cơ, một số trường hợp, nhất là trẻ em có thể không có triệu chứng báo trước. Khi bị thủy đậu, cơ thể người bệnh sẽ xuất hiện những “nốt rạ”. Đây là những nốt tròn nhỏ xuất hiện nhanh trong vòng 12 - 24 giờ, các nốt này sẽ tiến triển thành những mụn nước, bóng nước. Nốt rạ có thể mọc khắp toàn thân hay mọc rải rác trên cơ thể, bình thường những mụn nước này khô đi, trở thành vảy và tự khỏi hoàn toàn trong 4 - 5 ngày. Ở trẻ em, bệnh thủy đậu thường kéo dài khoảng 5 - 10 ngày dẫn đến việc phải nghỉ học hoặc nghỉ đến nơi giữ trẻ.

* Bệnh có thể gây nhiều chứng nguy hiểm:

Bệnh thủy đậu cũng có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như: viêm màng não, xuất huyết, nhiễm trùng huyết, nhiễm trùng nốt rạ, viêm mô tế bào, viêm gan,… Một số trường hợp có thể gây tử vong nếu người bệnh không được điều trị kịp thời. Phụ nữ mang thai bị thủy đậu ở 3 tháng đầu của thai kỳ, sẽ gây sẩy thai, hay khi sinh ra trẻ sẽ bị  dị tật bẩm sinh như: đầu nhỏ, co gồng tay chân, bại não, sẹo bẩm sinh.

* Cách phòng và điều trị bệnh thủy đậu hiệu quả:

Thủy đậu là một bệnh nhẹ, song rất cần được chăm sóc chu đáo để không xảy ra biến chứng. Bệnh thủy đậu chưa có thuốc điều trị đặc hiệu mà điều trị chủ yếu bằng chăm sóc dinh dưỡng, nâng cao thể trạng và theo dõi sát tình trạng bệnh để phát hiện và điều trị kịp thời để tránh những biến chứng gây ra. Biện pháp chủ động để phòng ngừa bệnh thủy đậu, đó là chủng ngừa bằng vắc xin phòng bệnh thủy đậu cụ thể như sau:

+ Tiêm mũi 1 cho mọi đối tượng từ 12 tháng tuổi trở lên.

+ Tiêm mũi 2 nhắc lại cách mũi 1 thời gian là 8 tuần trở đi.

Người chưa từng bị bệnh và chưa được chích ngừa thì nên đến chích ngừa thủy đậu tại các trung tâm y tế để ngừa bệnh cho mình và cho những người xung quanh. Đặc biệt, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ nếu chưa mắc thủy đậu bao giờ hoặc chưa tiêm vắc xin khi nhỏ cần tiêm ngay để phòng thủy đậu khi mang thai.

BS.CKI Trần Văn Tuấn - Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm - Trung tâm Y tế dự phòng TP Cần Thơ




Đường dây nóng




Số lượng truy cập