Thứ Tư, ngày 24-04-2024 Trang chủ| Liên hệ| Góp ý| Sơ đồ   [Đăng nhập]
Tìm kiếm
ĐƯỜNG DÂY NÓNG

 

Hồ sơ công việc
 
 
 
Tin hoạt động Ngành
Hưởng ứng ngày Quốc tế người cao tuổi 1/10: Tìm hiểu về bệnh thoái hóa khớp
[ Cập nhật vào ngày (28/09/2016) ] - [ Số lần xem: 1249 ]
Ảnh minh họa (nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (nguồn: Internet)

Thoái hóa khớp là bệnh lý thường gặp ở người cao tuổi. Bệnh gây đau đớn, hạn chế cử động khớp và khó khăn trong vận động, vì vậy ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống của người cao tuổi. BS.CKII Phạm Gia Nhâm, Phó Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền TP Cần Thơ sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về căn bệnh này cũng như cách phòng tránh.

* Nguyên nhân của bệnh thoái hóa khớp

Thoái hóa khớp ở người cao tuổi có rất nhiều nguyên nhân, có thể do di truyền, do bẩm sinh từ sự nuôi dưỡng của mẹ lúc mang thai không tốt, dinh dưỡng không đúng hoặc do dị tật làm ảnh hưởng đến khí huyết trong cơ thể gây đau nhức tê mỏi nặng ở cơ, xương, khớp…

Chấn thương từ bên ngoài ảnh hưởng trực tiếp đến xương, đến cân mạch, chấn thương đụng giập ảnh hưởng đến huyết dịch, cơ nhục, gây ứ huyết và gây đau. Ngoài ra, sự lão hóa ảnh hưởng đến chức năng hoạt động ngũ tạng nói chung cũng là một nguyên nhân gây nhức mỏi, tê nặng khớp xương bắp thịt ở người có tuổi.

* Triệu chứng của thoái hóa khớp

Người bệnh thoái hóa khớp thường xuyên đau ở vị trí khớp bị thoái hóa, đau một chỗ ít khi lan sang những nơi khác (ngoại trừ ở cột sống khi có chèn ép rễ và dây thần kinh); đau âm ỉ, ở cột sống có thể có cơn đau cấp. Cơn đau thường xuất hiện và tăng khi vận động hay thay đổi tư thế; xuất hiện từng đợt kéo dài rồi giảm và hết, sau đó lại xuất hiện đợt khác sau khi vận động nhiều. Đôi lúc đau nhiều có thể gây co cơ phản ứng.

Bên cạnh đó, người bệnh còn bị hạn chế vận động vì các khớp bị thoái hóa, mức độ không nhiều và có thể chỉ hạn chế ở một số động tác. Do bị hạn chế vận động nên cơ ở vùng thương tổn có thể bị teo. Một số bệnh nhân có dấu hiệu “phá gỉ khớp” vào buổi sáng hoặc lúc mới bắt đầu hoạt động.

Thoái hoá khớp còn gây biến dạng khớp do các gai xương mọc thêm ở đầu xương; ở cột sống biến dạng hình thức gù, vẹo, cong, lõm. Tuy nhiên, bệnh thoái hóa khớp không gây biến dạng nhiều như ở các bệnh khớp khác như: viêm khớp, Goutte,...

Ngoài ra, bệnh thoái hóa khớp còn có các dấu hiệu khác như: teo cơ do ít vận động; phát ra tiếng lạo xạo khi vận động; tràn dịch khớp do phản ứng sung huyết và tiết dịch ở màng hoạt dịch (đôi khi ở khớp gối).

* Hậu quả của thoái hóa khớp

Bệnh thoái hóa khớp là bệnh lý do hậu quả của quá trình tích lũy tuổi và sự chịu lực tác động thường xuyên lên khớp. Thoái hóa khớp gây đau đớn, biến đổi cấu trúc khớp dẫn đến tàn phế, làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, trở thành gánh nặng cho kinh tế gia đình và xã hội.

Nếu được chẩn đoán sớm và điều trị sớm thì có thể làm chậm phát triển của bệnh thoái hóa khớp, giảm triệu chứng đau đớn, giúp duy trì các hoạt động của cuộc sống.

* Điều trị và phòng bệnh

Điều trị bệnh thoái hóa khớp theo Đông y có nhiều bài thuốc thích hợp cho mỗi loại bệnh lý khác nhau của thoái hóa khớp bằng cách kết hợp với châm cứu, xoa bóp cũng có thể giúp tình trạng bệnh được giảm bớt các cơn đau và duy chức năng vận động của xương khớp.

Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta cần có những tư thế thích hợp trong lao động và sinh hoạt, tránh những tư thế xấu gây ảnh hưởng đến khớp; tránh các động tác quá mạnh, đột ngột và sai tư thế khi mang vác, đẩy, xách, nâng,… Mỗi người cần xây dựng lối sống lành mạnh, tập thể dục hàng ngày và giữa các giờ lao động. Người cao tuổi càng phải duy trì chế độ tập thể dục đều đặn, vừa sức, tốt nhất là đi đi bộ hay tập dưỡng sinh. Đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ, cân đối; đồng thời, thường xuyên kiểm soát cân nặng, chống béo phì để phòng, tránh bệnh thoái hóa khớp.

Mỗi người cần thường xuyên kiểm tra định kỳ để phát hiện và điều trị sớm, đặc biệt là những người làm nghề lao động nặng rất dễ bị thoái hóa khớp. Đối với trẻ em, phụ huynh cần chăm sóc chế độ dinh dưỡng thích hợp, chữa sớm bệnh còi xương, các tật về khớp (vòng kiềng, chân cong). Kiểm tra và phát hiện sớm các dị tật của xương, khớp và cột sống để có biện pháp sớm, ngăn ngừa thoái hóa khớp thứ phát.

Khi có những triệu chứng như đau khớp, chúng ta cần giảm đau bằng cách chườm lạnh, nóng hoặc xoa bóp; giảm cứng khớp bằng các động tác như co duỗi nhẹ nhàng. Nếu không thấy bệnh thuyên giảm hoặc thuyên giảm rất chậm thì nên đi khám bác sĩ để được chỉ định dùng thuốc và tư vấn thêm, tuyệt đối không tự động mua thuốc để uống hoặc tiêm.

Kim Nhiên (lược ghi)




Đường dây nóng




Số lượng truy cập