Thứ Bảy, ngày 20-04-2024 Trang chủ| Liên hệ| Góp ý| Sơ đồ   [Đăng nhập]
Tìm kiếm
ĐƯỜNG DÂY NÓNG

 

Hồ sơ công việc
 
 
 
Tin hoạt động Ngành
Hiểu biết đúng về dự phòng lây nhiễm HIV
[ Cập nhật vào ngày (19/11/2015) ] - [ Số lần xem: 1355 ]
Hội thi tuyên truyền kiến thức phòng chống HIV/AIDS cho học sinh THPT do Sở Giáo dục - Đào tạo và Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tổ chức.
Hội thi tuyên truyền kiến thức phòng chống HIV/AIDS cho học sinh THPT do Sở Giáo dục - Đào tạo và Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tổ chức.

Việc nâng cao kiến thức cộng đồng trong dự phòng HIV/AIDS là điều hết sức quan trọng vì nếu mọi người có hiểu biết đúng và đầy đủ mới có thể thực hành đúng các biện pháp dự phòng, không bị lây nhiễm HIV.

Câu hỏi mà mọi người thường đặt ra là khi nào được gọi là một người có hiểu biết đúng và đầy đủ. Để đánh giá một người hiểu biết đúng thì không khó nhưng để đánh giá một người hiểu biết đầy đủ thì rất khó vì các kiến thức về HIV/AIDS nói chung cũng như dự phòng lây nhiễm HIV nói riêng là “mênh mông”, như vậy biết thế nào là đủ. Do vậy cũng có nhiều quan niệm khác nhau về hiểu biết đầy đủ dự phòng lây nhiễm HIV.

hieu-bit-dung_4308.jpg

Cán bộ Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS đang phỏng vấn điều tra kiến thức và giải thích, tư vấn, nâng cao hiểu biết của người dân về HIV/AIDS.

Năm 2005, Chương trình phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) đã đưa ra bộ chỉ số cơ bản để đánh giá chương trình phòng, chống HIV/AIDS của các quốc gia trong đó có bộ câu hỏi đánh giá sự hiểu biết đầy đủ về dự phòng lây nhiễm HIV và Bộ Y tế cũng đã dựa trên hướng dẫn này ban hành bộ tiêu chuẩn để đánh giá về hiểu biết của một cá nhân về dự phòng lây nhiễm HIV. Bộ câu hỏi này dựa trên một số nội dung cốt lõi mà một người cần phải hiểu biết về HIV, đó là xác định được đúng cách phòng ngừa lây nhiễm HIV và phản đối những quan niệm sai lầm phổ biến về lây nhiễm HIV. Bộ câu hỏi này gồm 5 câu hỏi, cụ thể như sau:

1. Chỉ quan hệ tình dục với một bạn tình mà bạn tính đó chung thủy và không bị nhiễm HIV có thể làm giảm nguy cơ lây nhiễm HIV không?

Câu trả lời đúng sẽ là CÓ. Câu hỏi này mục đích tìm hiểu về sự hiểu biết của một người về đường lây truyền HIV cũng như cách phòng lây nhiễm HIV qua đường tình dục trên cơ sở hai người cùng chưa nhiễm HIV và sống chung thủy.

2. Dùng bao cao su mỗi khi quan hệ tình dục có thể làm giảm được lây nhiễm HIV qua đường tình dục hay không?

Câu trả lời là CÓ. Câu hỏi này mục đích tìm hiểu sự hiểu biết về biện pháp phòng lây nhiễm HIV thông qua sử dụng bao cao su mỗi lần đúng cách khi quan hệ tình dục.

3. Một người nhìn khỏe mạnh có thể bị nhiễm HIV không?

Câu trả lời đúng là CÓ. Câu hỏi này mục đích tìm hiểu sự hiểu biết của một người về xét nghiệm HIV và loại bỏ những quan niệm sai lầm về nhiễm HIV. Hiện nay vẫn còn nhiều người có quan niệm sai lầm cho rằng nhìn bên ngoài có thể biết một người nhiễm HIV và một người nhìn bề ngoài khỏe mạnh thì anh hoặc chị ta không bị nhiễm HIV và có thể dẫn đến quan hệ tình dục không an toàn với các đối tác khi nhìn bề ngoài khỏe mạnh nhưng họ đã bị nhiễm bệnh. Sở dĩ như vậy vì họ cho rằng người nhiễm HIV thường gầy gò, ốm yếu, da bọc xương.... Tuy nhiên hiểu như vậy là không chính xác vì người nhiễm HIV vẫn có giai đoạn dài sống khỏe mạnh như người bình thường nên nhìn bề ngoài không thể biết một ai có nhiễm HIV hay không. Chỉ có xét nghiệm tìm kháng thể HIV mới khẳng định một người nhiễm HIV hay không.

4. Muỗi đốt có thể làm lây truyền HIV hay không?

Câu trả lời đúng là KHÔNG. Câu hỏi này mục đích tìm hiểu sự hiểu biết của một người trong việc loại bỏ các sai lầm liên quan đến lây nhiễm HIV. Hiện vẫn có người cho rằng muỗi đốt có thể làm lây truyền HIV. Tuy nhiên cho đến nay các nhà khoa học chưa phát hiện được trường hợp nào lây nhiễm HIV do muỗi đốt người nhiễm HIV truyền sang người lành. Khi tin rằng HIV lây truyền qua muỗi đốt còn có thể làm giảm lòng tin rằng HIV có thể phòng ngừa được.

5. Ăn chung với người bị nhiễm HIV có bị lây nhiễm HIV không?

Câu trả lời là KHÔNG. Câu hỏi này mục đích tìm hiểu sự hiểu biết của một người trong việc loại bỏ các sai lầm liên quan đến lây nhiễm HIV. Nhiều người vẫn cho rằng ăn uống chung với người nhiễm HIV có thể làm lây nhiễm HIV. Tuy nhiên do HIV chỉ lây qua ba con đường (máu, tình dục, sữa mẹ) mà không lây qua các giao tiếp thông thường như ăn uống chung, sinh hoạt chung, làm việc chung... nên ăn uống chung với người nhiễm HIV không thể làm lây nhiễm HIV. Việc hiểu sai dẫn đến kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV.

Một người được cho là có hiểu biết đầy đủ về HIV khi họ phải trả lời đúng hoặc hiểu đúng cả 5 câu hỏi trên và nó được coi như là một chỉ số chuẩn để đánh giá kiến thức của một người hiểu biết về dự phòng lây nhiễm HIV. Có một số người cho rằng nếu chỉ hiểu đúng 5 câu hỏi trên thì làm sao đã gọi là có đủ kiến thức. Tuy nhiên các chuyên gia đã chỉ ra rằng, khi một người có kiến thức để trả lời đúng cả 5 câu hỏi này thì họ cũng đã có kiến thức chung về phòng, chống HIV/AIDS khá tốt nên có đủ khả năng dự phòng lây nhiễm HIV cho bản thân mình hoặc tránh làm lây lan HIV cho người thân hay cộng đồng.

Cục Phòng chống HIV/AIDS - Bộ Y tế

TP Cần Thơ:  Nhiều hoạt động tuyên truyền nâng cao kiến thức cộng đồng về HIV/AIDS

Theo Công văn số 3731/BYT-AIDS ngày 13/6/2014 của Bộ Y tế về việc lồng ghép các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS với các chương trình phát triển kinh tế xã hội, TP Cần Thơ được Bộ Y tế giao chỉ tiêu trên 60% người dân trong độ tuổi 15-49 có hiểu biết đầy đủ về phòng, chống HIV/AIDS. Thời gian qua, để phấn đấu thực hiện đạt chỉ tiêu này, góp phần nâng cao kiến thức của cộng đồng về phòng chống HIV/AIDS, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS TP Cần Thơ đã triển khai đa dạng nhiều hoạt động tuyên truyền để phổ biến kiến thức cho người dân cũng như trong đối tượng trẻ thanh niên, học sinh, sinh viên.

Với nỗ lực đưa thông tin đến tận người dân ở cơ sở, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tiếp tục đẩy mạnh thực hiện truyền thông trực tiếp tại hộ gia đình thông qua mạng lưới nhân viên tiếp cận cộng đồng và cộng tác viên xã/phường; lắp đặt 170 pano tại xã/phường tuyên truyền kiến thức đúng về dự phòng lây nhiễm HIV. Trung tâm cũng tăng cường phối hợp với với các sở, ban ngành và báo, đài trong công tác thông tin tuyên truyền nâng cao kiến thức cho người dân về HIV/AIDS.

Bên cạnh đó, còn có nhiều hình thức tuyên truyền phong phú, sáng tạo mang lại hiệu quả cao cũng được áp dụng rộng rãi trên địa bàn TP Cần Thơ, tiêu biểu như các cuộc truyền thông lưu động, biểu diễn văn nghệ; các hội thi tuyên truyền kiến thức phòng chống HIV/AIDS do Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS phối hợp với các trường học trên địa bàn thành phố tổ chức. Trong hai năm 2014-2015, hiệu quả của các hoạt động này đã thu hút hơn 9.000 giáo viên, học sinh tham gia. Cũng trong năm 2015, Trung tâm còn tổ chức 12 lớp đào tạo cho 360 cộng tác viên nòng cốt tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS là giáo viên tại TP. Cần Thơ, từ đội ngũ này sẽ giúp mở rộng thêm mạng lưới tuyên truyền đến cộng đồng, đặc biệt là cho các đối tượng học sinh và phụ huynh.

Hiện Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS đang tiến hành lập kế hoạch điều tra, nghiên cứu thực trạng, kiến thức, thái độ, thực hành về phòng chống HIV/AIDS của người dân từ 15-49 tuổi trên địa bàn TP Cần Thơ. Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá chỉ tiêu của Bộ Y tế đã giao cũng như đánh giá đầu ra kết quả thực hiện kế hoạch “Thành phố hướng tới mục tiêu ba không về HIV/AIDS”.


Hải Ân




Đường dây nóng




Số lượng truy cập