Thứ Sáu, ngày 29-03-2024 Trang chủ| Liên hệ| Góp ý| Sơ đồ   [Đăng nhập]
Tìm kiếm
ĐƯỜNG DÂY NÓNG

 

Hồ sơ công việc
 
 
 
Tin hoạt động Ngành
Điều trị ARV cho người nhiễm HIV: Hiệu quả và những điểm mới
[ Cập nhật vào ngày (19/11/2015) ] - [ Số lần xem: 2159 ]
Bệnh nhân làm thủ tục uống ARV tại Phòng khám Ngoại trú, Trung tâm Y tế dự phòng Ninh Kiều.
Bệnh nhân làm thủ tục uống ARV tại Phòng khám Ngoại trú, Trung tâm Y tế dự phòng Ninh Kiều.

Liệu pháp điều trị kháng retrovirus (gọi tắt là điều trị ARV) dành cho những người bị HIV/AIDS. Thuốc điều trị có tác dụng làm giảm sự phát triển của virus HIV và làm chậm giai đoạn HIV sang AIDS, giúp tăng số lượng tế bào T CD4, làm giảm nguy cơ mắc và tử vong do các bệnh nhiễm trùng cơ hội và các bệnh liên quan tới AIDS. Dùng ARV cho người có HIV được nhìn nhận là một trong những biện pháp tích cực giúp người có HIV cải thiện sức khỏe, kéo dài thời gian sống, đồng thời giảm lây nhiễm HIV cho người khác.

Điều trị bằng thuốc kháng virus (ARV) đã từ lâu được xem là một trong những giải pháp góp phần giảm tỷ lệ tử vong ở người nhiễm HIV. Tiếp cận điều trị ARV sớm giúp người nhiễm cải thiện chất lượng cuộc sống khi sức khỏe đã được cải thiện và duy trì. Những năm gần đây, ngoài những lợi ích về mặt sức khỏe của người nhiễm HIV, điều trị ARV còn được xem là một trong những biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV cho người khác. Bởi việc điều trị giúp làm ức chế sự nhân lên của HIV - yếu tố quan trọng trong việc lây truyền HIV.

Khái niệm điều trị bằng thuốc ARV là dự phòng đã được minh chứng qua hiệu quả đối với việc dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con và dự phòng nhiễm HIV qua quan hệ tình dục đối với các cặp bạn tình dị nhiễm HIV (tức là cặp bạn tình trong đó một người dương tính với HIV còn người kia thì không). Một nghiên cứu đa quốc gia được tiến hành vào năm 2010 đã chứng minh rằng, điều trị bằng thuốc ARV sớm sẽ làm giảm 96% nguy cơ lây truyền HIV qua quan hệ tình dục. Nhiều nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng, số người nhiễm mới HIV đã giảm mạnh khi mở rộng điều trị bằng thuốc ARV. Ngoài ra, hiện nay, việc điều trị ARV cũng đã điều chỉnh tiêu chuẩn bắt đầu điều trị ở người nhiễm HIV và phụ nữ mang thai nhiễm HIV. Qua đó, thời gian bắt đầu điều trị dự phòng bằng ARV ở phụ nữ mang thai nhiễm HIV cũng được sớm hơn (trước đây, điều trị dự phòng từ tuần thai thứ 28 còn hiện nay điều trị dự phòng được bắt đầu từ tuần thai thứ 14 của thai kỳ).

Với những hiệu quả của điều trị ARV đối với người nhiễm HIV và cộng đồng, nhằm mở rộng chương trình điều trị ARV và giúp người nhiễm HIV tiếp cận với thuốc ARV sớm nhất có thể, ngày 29/5/2015, Bộ Y tế đã ban hành công văn số 3655/BYT-AIDS về việc áp dụng tiêu chuẩn điều trị HIV mới, trong đó ghi rõ:

- Đối với người lớn và trẻ từ 5 tuổi trở lên: chỉ định điều trị ARV khi tế bào CD4 < hoặc bằng 500 tế bào/mm3. Điều trị không phụ thuộc số lượng tế bào CD4 trong trường hợp giai đoạn lâm sàng 3 hoặc 4 bao gồm: mắc bệnh lao; đồng nhiễm vi rút viêm gan B, C; phụ nữ mang thai và phụ nữ đang cho con bú nhiễm HIV; người nhiễm HIV có vợ/chồng hoặc bạn tình không bị nhiễm HIV; người nhiễm HIV thuộc các quần thể nguy cơ (người tiêm chích ma tuý, người bán dâm, nam quan hệ tình dục đồng giới); người nhiễm HIV từ 50 tuổi trở lên; người nhiễm HIV sinh sống làm việc tại khu vực miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa.

- Đối với trẻ dưới 5 tuổi: bắt đầu điều trị ARV không phụ thuộc giai đoạn lâm sàng và số lượng tế bào CD4; bắt đầu điều trị ARV đối với trẻ dưới 18 tháng tuổi có xét nghiệm PCR dương tính hoặc xét nghiệm kháng thể kháng HIV dương tính và có biểu hiện: nấm miệng, viêm phổi nặng, nhiễm khuẩn nặng hoặc bất kỳ bệnh lý nào của giai đoạn AIDS.

Với tiêu chuẩn điều trị mới nêu trên, hầu như người nhiễm HIV khi phát hiện tình trạng nhiễm sẽ được đưa vào điều trị sớm nhất.

Tại thành phố Cần Thơ, sau khi tiêu chuẩn điều trị mới ban hành, trên 95% bệnh nhân đang đăng ký tại các phòng khám ngoại trú (PKNT) đã được điều trị ARV, các trường hợp còn lại do CD4 trên 500 và không thuộc nhóm đối tượng ưu tiên nên vẫn đang tiếp tục được theo dõi sức khỏe. Tính đến 31/10/2015, TP Cần Thơ đang điều trị cho 2.102 bệnh nhân tại 06 PKNT, trong đó, có 170 trẻ em. Kết quả cải thiện chất lượng chương trình chăm sóc điều trị ARV tại các PKNT cho thấy: Tỷ lệ duy trì điều trị ARV sau 12 tháng kể từ lúc bắt đầu điều trị đạt trên 85%; tỷ lệ bệnh nhân đủ tiêu chuẩn điều trị được đưa vào điều trị ARV trong vòng 15 ngày đạt trên 90%.

Việc mở rộng tiêu chuẩn điều trị ARV và quản lý chất lượng dịch vụ chăm sóc điều trị như hiện nay đã hỗ trợ người nhiễm HIV tiếp cận dịch vụ sớm, dễ dàng hơn và có chất lượng. Sức khỏe của người nhiễm HIV sẽ được cải thiện rõ rệt, nâng cao chất lượng cuộc sống, đồng thời, dự phòng lây nhiễm HIV cho những người xung quanh. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả như mong muốn cho cá nhân người nhiễm và cho cả cộng đồng thì ngoài sự nỗ lực của phía cung cấp dịch vụ (cơ sở y tế và ban ngành liên quan), người nhiễm HIV cũng cần cập nhật đầy đủ các thông tin, chủ động quản lý sức khỏe của bản thân, cụ thể như sau:

- Tư vấn xét nghiệm HIV để biết tình trạng nhiễm HIV của bản thân.

- Trường hợp có kết quả HIV dương tính, người nhiễm HIV cần đến ngay các cơ sở điều trị HIV (PKNT) để được tư vấn, kiểm tra sức khỏe và điều trị ARV khi đủ tiêu chuẩn.

- Khi đã điều trị ARV, cần tuân thủ tốt điều trị và thực hiện đúng các hướng dẫn của cán bộ y tế để việc điều trị ARV mang lại hiểu quả cao nhất.

Với tất cả các nỗ lực của phía cung cấp dịch vụ và người nhiễm, cùng với các biện pháp can thiệp dự phòng khác, tin rằng Cần Thơ sẽ góp phần cùng với cả nước đạt được mục tiêu mà Liên hợp quốc đang hướng đến: Không còn người nhiễm mới HIV và không có ca tử vong liên quan đến HIV/AIDS.

Ths. Phạm Thị Cầm Giang - Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS TP Cần Thơ




Đường dây nóng




Số lượng truy cập