Thứ Năm, ngày 25-04-2024 Trang chủ| Liên hệ| Góp ý| Sơ đồ   [Đăng nhập]
Tìm kiếm
ĐƯỜNG DÂY NÓNG

 

Hồ sơ công việc
 
 
 
Tin hoạt động Ngành
Tuần lễ dinh dưỡng và phát triển 16-23/10/2018: Chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ độ tuổi mầm non
[ Cập nhật vào ngày (16/10/2018) ] - [ Số lần xem: 580 ]
Cán bộ y tế Trung tâm Chăm sóc SKSS TP Cần Thơ hướng dẫn các bà mẹ nấu bữa ăn dinh dưỡng cho trẻ. Ảnh: H.G
Cán bộ y tế Trung tâm Chăm sóc SKSS TP Cần Thơ hướng dẫn các bà mẹ nấu bữa ăn dinh dưỡng cho trẻ. Ảnh: H.G

Ở lứa tuổi mầm non, não bộ và thể chất của trẻ phát triển mạnh mẽ. Đây là giai đoạn tiền đề quyết định quan trọng đến toàn bộ sự phát triển chung của trẻ về sau. Đồng thời trẻ cần nhiều năng lượng để đảm bảo cho các hoạt động. Do đó, trẻ em trong lứa tuổi mầm non rất cần được chăm sóc bằng một chế độ dinh dưỡng đặc biệt, đúng cách.

*Đầy đủ các nhóm thực phẩm

Nếu thiếu dinh dưỡng cơ thể bé sẽ chậm phát triển với các biểu hiện như: tụt cân, suy dinh dưỡng, chậm chạp, kém vận động… Ngược lại, khi trẻ thừa dinh dưỡng thì nguy cơ mắc các bệnh như: béo phì, tim mạch… là rất cao. Chính vì vậy, việc đảm bảo một chế độ dinh dưỡng hợp lý, đặc biệt đối với trẻ ở độ tuổi mầm non là vô cùng quan trọng. Việc chăm sóc bữa ăn cho lứa tuổi mầm non cần phải được đảm bảo đủ các nhóm như: nhóm đạm, nhóm tinh bột, nhóm vitamin và khoáng chất, nhóm chất béo, sữa và nước.

Bai Dinh duong cho tre mam non trang 8 và 9_DDMAMNON02.jpg

Trung tâm Y tế dự phòng TP Cần Thơ tập huấn về nội dung dinh dưỡng học đường cho các giáo viên, cán bộ y tế trường học vào tháng 7 năm 2018. Ảnh: H.G

1. Nhóm tinh bột

Thực phẩm chủ yếu hàng ngày cho trẻ là cơm. Tuy nhiên ngoài cơm, có thể bổ sung những thức ăn từ bánh mì, khoai lang, khoai tây, ngũ cốc, mì ống… Để tránh tình trạng trẻ nhàm chán, biếng ăn, có thể thay đổi các loại thực phẩm và làm đa dạng hơn thực đơn hàng ngày của trẻ.

2. Nhóm chất đạm

Thịt, cá, trứng, sữa, các chế phẩm từ sữa và các loại đậu, ngũ cốc là nguồn cung cấp đạm tuyệt vời cho trẻ. Trẻ cần ăn một ngày 2 bữa đầy đủ đạm.

3. Nhóm chất béo có lợi

Nhóm chất này rất cần thiết cho một chế độ dinh dưỡng của trẻ mầm non hợp lý. Ở độ tuổi này, trẻ cần được cung cấp chất béo cần thiết cho quá trình tăng trưởng thể chất và phát triển trí tuệ. Theo các chuyên gia, khoảng 60% não của trẻ được cấu thành từ chất béo trong những năm đầu đời. Do đó trong khẩu phần ăn hàng ngày của trẻ không thể nào thiếu dầu, thịt, bơ, sữa, phô mai…

4. Nhóm vitamin và chất khoáng

Vitamin và chất khoáng có trong rau, củ, quả không phải trẻ nào cũng thích. Tuy nhiên đây là thành phần không thể thiếu trong khẩu phần dinh dưỡng cho trẻ mầm non. Hoa quả và rau xanh chứa nhiều chất xơ tốt cho hệ tiêu hóa của trẻ, hỗ trợ phòng ngừa táo bón. Ngoài ra, các vitamin có trong hoa quả còn giúp trẻ ngăn ngừa một số bệnh. Ví dụ: vitamin C có trong cam, quýt, ổi giúp trẻ nâng cao sức đề kháng, tránh các bệnh cảm, cúm thông thường; vitamin A có trong cà rốt, cà chua giúp ngăn ngừa các bệnh về mắt…

Nguồn nguyên liệu này được chế biến bằng nhiều cách: nấu canh, ăn trực tiếp, trộn với sữa chua, xay nước ép, sinh tố… Cha mẹ cũng có thể thường xuyên cho bé ăn các bữa phụ với trái cây thái nhỏ, rất dễ ăn và được nhiều bé yêu thích.

5. Sữa và các sản phẩm từ sữa

Là nguồn thực phẩm rất quen thuộc và dường như không thể thiếu với trẻ nhỏ. Sữa giàu canxi, vitamin và khoáng chất có lợi cho trí não của trẻ. Nên cho trẻ uống 2 ly sữa/ngày đối với trẻ mầm non. Ngoài ra váng sữa, phô mai, sữa chua cũng là những nguồn bổ sung vitamin D cực kỳ tốt cho bé. Tuy nhiên không phải loại sữa chua nào cũng cung cấp vitamin D. Chúng ta cần xem rõ nhãn mác, nguồn gốc và thành phần của sản phẩm.

6. Nước và thức uống

Trẻ được cung cấp đủ nước cũng là điều quan trọng. Theo các chuyên gia thì ở độ tuổi mầm non trẻ có thể uống 6 ly nước/ngày (bao gồm các loại). Đặc biệt trẻ hiếu động, chơi đùa nhiều thì cần bổ sung nhiều nước để tránh tình trạng mất nước. Tuy nhiên nước chủ yếu ở các bé tuổi mầm non không chỉ nhất thiết là hoàn toàn bằng nước lọc mà sữa cũng là thức uống quan trọng. 2 ly sữa mỗi ngày là đủ để cung cấp canxi, vitaminD và các vi chất cần thiết cho độ tuổi mầm non.

* Nhu cầu dinh dưỡng cân đối, phù hợp

Một chế độ dinh dưỡng đầy đủ của trẻ là ăn đủ bốn nhóm thực phẩm, ăn đa dạng các loại thực phẩm, các chất dinh dưỡng ở tỷ lệ cân đối và hợp lý trong từng bữa ăn, từng ngày. Chế độ dinh dưỡng hàng ngày cho các nhóm tuổi, thậm chí là mỗi cá thể cũng sẽ khác nhau, lúc này việc ăn uống của bé đã gần giống như người lớn, tức là bé đã có thể tham gia cả 3 bữa ăn chính của gia đình. Một chế độ dinh dưỡng đầy đủ của trẻ là ăn đủ bốn nhóm thực phẩm, ăn đa dạng các loại thực phẩm, các chất dinh dưỡng ở tỷ lệ cân đối và hợp lý trong từng bữa ăn, từng ngày. Chế độ dinh dưỡng hàng ngày cho các nhóm tuổi, thậm chí là mỗi cá thể cũng sẽ khác nhau.

Nhu cầu về năng lượng là điểm quan trọng hàng đầu trong khẩu phần ăn, khi đủ nhu cầu năng lượng, đảm bảo cho trẻ được ăn no thì mới quan tâm đến tính cân đối của khẩu phần. Trẻ càng nhỏ thì nhu cầu các chất dinh dưỡng càng cao do tốc độ phát triển nhanh của trẻ. Trẻ mầm non, nhu cầu dinh dưỡng chia thành các nhóm tuổi sau:

+ Trẻ từ 1 - 2 tuổi: Vẫn tiếp tục cho bú mẹ, nếu mẹ không có sữa, cho trẻ uống sữa ngoài từ 300 - 500 ml/ngày. Ăn 4 bữa cháo hoặc súp mỗi ngày. Ăn quả chín theo nhu cầu của trẻ. Lượng thực phẩm trong ngày: gạo (100 - 150g); thịt hoặc cá, tôm (100 - 120g); trứng gà 3 - 4 trứng/tuần; dầu mỡ (25 - 30g); rau xanh (50 - 100g); quả chín (150 - 200g).

+ Trẻ từ 2 - 3 tuổi: Cho trẻ ăn cơm nát, hoặc cháo, mì, súp, phở và uống sữa. Số bữa ăn trong ngày: 4 bữa cơm nát (cháo, mỳ, súp), sữa 300 - 400 ml/ngày. Lượng thực phẩm trong ngày: Gạo (150 - 200g) nếu ăn bún, mì, súp thì rút bớt lượng gạo; thịt hoặc cá, tôm (120 - 150g); dầu mỡ (30 - 40g); rau xanh (150 - 200g); quả chín (200g).

+ Trẻ từ 3 - 5 tuổi: Ăn 4 bữa/ngày, nhưng lượng ăn vào tăng lên, cho trẻ ăn những món trẻ yêu thích. Không cho trẻ ăn bánh kẹo, nước ngọt, quả chín trước bữa ăn. Lượng thực phẩm hàng ngày dùng cho trẻ: Gạo (200 - 300g); thịt hoặc cá, tôm (150 - 200g); dầu mỡ (30 - 40g), rau xanh (200 - 250g), quả chín (200 - 300g), sữa (300 - 400ml).

Ngoài ra mẹ cũng cần chú ý tạo điều kiện cho bé vận động cơ thể qua các trò chơi và được tắm nắng 20 phút mỗi ngày. Nên cho bé ngủ sớm bắt đầu từ khoảng 20 giờ 30 – 21 giờ tối. Một trẻ khỏe mạnh, ăn uống đủ, ngủ đủ sẽ phát triển tốt cả về chiều cao lẫn cân nặng.

Bài: Nguyễn Thị Kim Hồng - Trung tâm Chăm sóc SKSS TP Cần Thơ




Đường dây nóng




Số lượng truy cập