Thứ Sáu, ngày 19-04-2024 Trang chủ| Liên hệ| Góp ý| Sơ đồ   [Đăng nhập]
Tìm kiếm
ĐƯỜNG DÂY NÓNG

 

Hồ sơ công việc
 
 
 
Tin hoạt động Ngành
Cảnh báo việc tự tử bằng hóa chất Paraquat
[ Cập nhật vào ngày (18/08/2017) ] - [ Số lần xem: 894 ]
Quan tâm, chia sẻ và ngăn cản những người thân xung quanh có ý định tự tử. (Ảnh minh họa, nguồn: Internet)
Quan tâm, chia sẻ và ngăn cản những người thân xung quanh có ý định tự tử. (Ảnh minh họa, nguồn: Internet)

Rất nhiều người khi gặp chuyện buồn phiền, bế tắc, không được khuyên giải kịp thời đã uống thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ Paraquat để tự tử. Theo các bác sĩ, hậu quả của việc tự tử này dù bệnh nhân được cứu sống thì vẫn để lại những di chứng rất nặng nề.

BS.CKII Phan Thị Phụng, Trưởng khoa Hồi sức Tích cực Chống độc, Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ cho biết, những năm gần đây, trung bình mỗi tháng khoa lại tiếp nhận khoảng 15-20 bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch do ngộ độc hóa chất thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ; ngộ độc rượu, thuốc an thần, hoặc các nhóm thuốc khác… Tuy nhiên đáng báo động nhất là những trường hợp ngộ độc hóa chất Paraquat (chất này trong nhóm thuốc diệt cỏ) có tỷ lệ tử vong rất cao, đa số bệnh nhân tự uống hóa chất này để tự tử.

Được biết, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ký quyết định loại toàn bộ các thuốc bảo vệ thực vật có hoạt chất 2,4 D và Paraquat ra khỏi danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam vào ngày 8/2/2017. Theo đó, các doanh nghiệp chỉ được phép nhập khẩu tối đa các loại hoạt chất này là 1 năm và buôn bán, sử dụng tối đa là 2 năm theo khoản 3, điều 7, Thông tư 21 quy định về quản lý thuốc bảo vệ thực vật ban hành ngày 8/6/2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Các bác sĩ cho biết có thể vì thuốc này còn được lưu hành sử dụng trong nông nghiệp nên những người có ý định tự tử vẫn dễ dàng tìm thấy để mua uống.

Theo bác sĩ Phụng, Paraquat hấp thụ vào cơ thể rất nhanh, bệnh nhân chỉ cần uống 1 ngụm nhỏ (khoảng 5cc) đều có nguy cơ tử vong cao, tỉ lệ tử vong lên tới 70% mặc dù được điều trị tích cực bằng các phương pháp. Khi Paraquat vào cơ thể sẽ gây tổn thương tất cả các cơ quan như loét đường tiêu hóa, suy gan, suy thận, suy đa tạng, nghiêm trọng nhất là tổn thương phổi, xơ phổi, không thể nào cứu chữa, bệnh nhân sẽ tử vong trong vòng 5-7 ngày sau đó mặc dù lúc nhập viện bệnh nhân còn tỉnh táo.

Trường hợp bệnh nhân ngộ độc hóa chất Paraquat nếu được đưa đến bệnh viện sớm chưa đến giai đoạn xơ phổi có thể còn hi vọng cứu sống tuy nhiên di chứng để lại cho sức khỏe vẫn rất nặng nề như di chứng về tổn thương gan, suy thận, suy hô hấp, khó thở, stress, rối loạn tri giác... Đó là chưa kể những thương tổn về mặt tâm lý, sự đau khổ, tốn kém của gia đình trong việc chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân.

Theo khuyến cáo của bác sĩ, sau giai đoạn bệnh nhân tự tử được cứu sống, khi về nhà gia đình nên quan tâm đưa bệnh nhân đi khám tư vấn điều trị tâm lý, đề phòng ý định tự tử tái phát. Đa số bệnh nhân bị trầm cảm thường có khả năng tự tử tái phát cao.

Bác sĩ Phụng kể: “Khoa chúng tôi đã từng gặp một số bệnh nhân sau khi tự tử thất bại, thời gian sau lại tiếp tục tìm đến cái chết, điển hình năm ngoái có trường hợp một nam thanh niên ở TP Cần Thơ, em này còn rất trẻ khoảng 20 tuổi, nhưng cứ mỗi lần cảm thấy buồn chán là lại uống thuốc trừ sâu tự tử đến 5-6 lần, được người nhà phát hiện và đưa vào bệnh viện cấp cứu, tuy nhiên vào lần cuối cùng, em uống phải hóa chất Paraquat và nhiễm độc quá nặng, không thể cứu chữa nên đã tử vong”.

Tự tử với bất cứ lý do gì, hành động này vẫn là bi kịch và nỗi ám ảnh đối với gia đình, người thân. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) những năm gần đây, trung bình mỗi năm trên thế giới có khoảng 800.000 người tự tìm đến cái chết bằng nhiều hình thức khác nhau bởi những nguyên nhân khác nhau, trong đó chủ yếu là thất vọng, không tìm được lối thoát cho những bế tắc trong cuộc sống. Người có ý định và hành vi tự tử rất cần được người trong gia đình phát hiện, giúp đỡ và xử trí kịp thời. Phòng ngừa tự tử cũng là vấn đề trách nhiệm cần thiết được đặt ra cho cả gia đình, nhà trường và xã hội.

Ngày thế giới phòng chống tự tử 10/9 hàng năm là sáng kiến của Hiệp hội Phòng chống tự tử quốc tế (IASP) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Đây là hoạt động nhằm thúc đẩy sự cam kết và hành động trên toàn thế giới để phòng chống tự tử. Chúng ta hãy ngăn cản những người thân xung quanh có ý định tự tử, trò chuyện với họ và quan tâm chia sẻ cùng họ.

Năm 2017, Hiệp hội Phòng chống tự tử quốc tế (IASP) chọn chủ đề Ngày thế giới phòng chống tự tử là: “Hãy dành một phút - có thể giúp thay đổi một cuộc đời”.  Thông điệp này muốn nhấn mạnh cuộc sống của mỗi người là vô cùng quý giá và đáng trân trọng, dù đôi khi có những khó khăn, rào cản; Hãy dành một phút để liên lạc, chia sẻ trò chuyện với một ai đó - có thể là người thân, bạn bè hoặc người mà bạn cảm thấy tin tưởng, vì điều này có thể giúp bạn thay đổi suy nghĩ tiêu cực. Thông điệp này cũng khẳng định tầm quan trọng của cộng đồng, xã hội trong việc hỗ trợ những người dễ bị tổn thương. Hãy lắng nghe, đồng cảm, không phán xét họ, quan tâm phát hiện những biểu hiện bất thường, tìm cách giúp đỡ, bảo vệ họ khỏi hành vi tự tử.

Nguyệt Hương




Đường dây nóng




Số lượng truy cập