Thứ Bảy, ngày 20-04-2024 Trang chủ| Liên hệ| Góp ý| Sơ đồ   [Đăng nhập]
Tìm kiếm
ĐƯỜNG DÂY NÓNG

 

Hồ sơ công việc
 
 
 
Tin hoạt động Ngành
Ngày Thế giới phòng, chống viêm gan vi rút 28/7: Phát hiện sớm bệnh viêm gan siêu vi B, điều trị kịp thời
[ Cập nhật vào ngày (28/07/2017) ] - [ Số lần xem: 804 ]
BS.CKI Huỳnh Thanh Trúc, Phó trưởng Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ khám và tư vấn cho người bệnh VGSVB.
BS.CKI Huỳnh Thanh Trúc, Phó trưởng Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ khám và tư vấn cho người bệnh VGSVB.

Gan giữ vai trò quan trọng đối với cơ thể, có tác dụng đào thải chất độc cơ thể. Có nhiều nguyên nhân gây tổn hại đến lá gan như: do nhiễm vi rút, uống nhiều rượu bia, xơ gan, ung thư gan… Trong đó, viêm gan siêu vi B (VGSVB) là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút viêm gan B gây ra. Hiện nay, y học tiến bộ có thể chẩn đoán sớm và nhiều phương pháp điều trị giúp người bệnh sống khỏe.

Tình cờ phát hiện bệnh

Theo Tổ chức Y tế thế giới, VGSVB là bệnh khá phổ biến và là vấn đề nghiêm trọng cho sức khỏe cộng đồng trên toàn thế giới. Nếu không được chủng ngừa, người nhiễm viêm gan B có thể dẫn đến xơ gan, ung thư gan và tử vong. Tại Việt Nam, tỉ lệ nhiễm vi rút viêm gan B chiếm 10% - 20% tổng dân số.

VGSVB do vi rút viêm gan B gây ra. Bệnh thường không có triệu chứng, phần lớn người bệnh không có biểu hiện gì và vẫn sinh hoạt bình thường, chỉ phát hiện khi tình cờ đi làm xét nghiệm máu hay nhằm chẩn đoán một bệnh khác. Trường hợp của chú T.V.T., 60 tuổi, ngụ tại phường Thường Thạnh, quận Cái Răng cho biết: “Tôi bị VGSVB khoảng 7 - 8 năm nay. Lúc trước, tôi thường ăn uống không tiêu, đau ran ở ngực nên nghĩ rằng mình bị đau bao tử nên tôi lên bệnh viện ở quận khám. Bác sĩ siêu âm và cho biết gan của tôi có vấn đề. Vì vậy tôi đã lên Bệnh viện Đa khoa thành phố khám, phát hiện bị VGSVB và điều trị viêm gan B từ đó đến nay”.

Tương tự, chú N.V.Ư., 58 tuổi, ngụ tại xã Trung Thạnh, huyện Cờ Đỏ cũng tình cờ phát hiện bệnh: “Khoảng 6 năm trước, ở huyện có đoàn khám bệnh từ TP Cần Thơ về khám, xét nghiệm và chích ngừa viêm gan cho người dân. Khi đó tôi có đến xét nghiệm thì phát hiện mình bị viêm gan B và C. Ban đầu tôi điều trị ở phòng khám tư trên TP HCM, sau đó về Long Xuyên điều trị hết một năm. Thời gian sau này, tôi điều trị bệnh ở Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ đến giờ”. Chú Ư. cho biết, hiện nay bệnh tình chú đã ổn định, ăn ngon, ngủ được, tinh thần sảng khoái hơn rất nhiều.

Theo BS.CKI Huỳnh Thanh Trúc, Phó trưởng Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ cho biết: “Biểu hiện lâm sàng của VGSVB cấp có thể nhẹ, không vàng da, vàng mắt, điển hình là nhức đầu, mệt mỏi, ăn uống kém, nôn ói, sốt nhẹ, đôi khi có lạnh run vào thời gian đầu… Các dấu hiệu này hiện diện khoảng 2-7 ngày trước khi vàng da, vàng mắt xuất hiện. Mức độ trầm trọng của bệnh cũng thay đổi, đa số trường hợp không có triệu chứng rõ rệt.

Phát hiện sớm bệnh VGSVB, điều trị kịp thời

Các bác sĩ lưu ý một số trường hợp bệnh nhân VGSVB không có dấu hiệu lâm sàng nhưng khi xét nghiệm thì men gan AST/ALT gia tăng rất dữ dội. Các dấu hiệu này ở trẻ em kéo dài trung bình khoảng 2 tuần và người lớn vào khoảng 4-6 tuần. Các bác sĩ cũng khuyến cáo, khi phát hiện mắc VGSVB, người bệnh nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và điều trị kịp thời.

BS.CKI Huỳnh Thanh Trúc cũng cho biết, lợi ích của việc chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời VGSVB chính là ngăn ngừa biến chứng lâu dài (như xơ gan, ung thư gan, tử vong) nhờ ức chế HBV - DNA kéo dài, mục tiêu chính nhằm giảm HBV - DNA trong máu đến mức không phát hiện được. Thời gian điều trị thuốc uống thường lâu dài, có thể suốt đời, nhất là đối với những bệnh nhân viêm gan B có HBeAg âm tính, chỉ ngưng sử dụng thuốc khi mất HbsAg.

Theo các bác sĩ cho biết, những triệu chứng điển hình của VGSVB như: đau hạ sườn phải, vàng da, vàng mắt, mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, tiêu chảy, đau đầu... thường không xuất hiện hoặc xuất hiện khi bệnh đã có biến chứng. Do đó, để nhận biết sớm và chắc chắn mình có nhiễm vi rút VGSVB hay không thì giải pháp tốt nhất là nên kiểm tra sức khỏe định kỳ và làm các xét nghiệm máu để kiểm tra.

VGSVB lây qua 3 con đường chính: từ mẹ sang con, đường quan hệ tình dục, đường truyền máu. Ngoài ra, có khoảng 40% VGSVB không xác định được nguồn gốc lây truyền. Sở dĩ khả năng lây của vi rút VGSVB cao hơn 100 lần so với HIV vì vi rút này có khả năng sống rất dai - chúng có thể tồn tại trên các vết máu khô hoặc trên bề mặt các đồ vật như bàn chải đánh răng, dao cạo râu, đồ chơi, dụng cụ y khoa... trong nhiều ngày. Như vậy, hầu như tất cả mọi người đều có khả năng nhiễm vi rút VGSVB. Tuy nhiên, những nhóm người sau có nguy cơ cao bị lây nhiễm là: nhân viên y tế; bệnh nhân thường xuyên nhận các chế phẩm từ máu; trẻ sinh ra từ người mẹ mang vi rút VGSVB; người có hoạt động tình dục cao; cư dân ở những nơi dân số tập trung cao; người tiêm chích ma túy...

Khoảng 10% trường hợp nhiễm VGSVB cấp tính chuyển sang mạn tính. Điều trị VGSVB mạn tính rất tốn kém và hiệu quả không cao, chỉ nhằm mục tiêu ức chế vi rút tăng trưởng chứ không “quét” sạch vi rút khỏi cơ thể. Và mỗi khi cơ thể suy nhược, vi rút lại “bùng” lên, làm tổn thương mô gan, có thể gây xơ gan, lâu ngày dẫn đến ung thư gan.

Hiện nay, tiêm vắc xin phòng ngừa là biện pháp hiệu quả và kinh tế nhất để phòng ngừa VGSVB. Để phòng tránh lây nhiễm VGSVB, mọi người cần lưu ý, không sử dụng chung những vật dụng bén nhọn có khả năng dính máu và dịch tiết với người khác, không nên dùng bơm kim tiêm chung; dùng bao cao su khi quan hệ tình dục; đảm bảo an toàn khi truyền máu. Thai phụ cần thăm khám định kỳ và tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ, nhất là những thai phụ có nhiễm vi rút VGSVB. Ngoài ra, người dân cần thường xuyên kiểm tra sức khỏe 6 tháng/lần nhằm phát hiện sớm và điều trị hiệu quả bệnh VGSVB.

Bài, ảnh: Thiên Hương




Đường dây nóng




Số lượng truy cập